Saturday, 23/11/2024 | 18:09 GMT+7
Có lẽ ở một đất nước còn chưa có nguồn điện dự trữ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội như Việt Nam, thì hàng năm, cứ vào đầu mùa khô, trước những diễn biến bất lợi về thời tiết, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, tình hình chậm tiến độ xây dựng các nguồn điện, giá cả các loại nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện tăng cao..., cả nước lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu điện. Chính vì vậy, tiết kiệm điện (TKĐ) đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hướng dẫn sinh viên sử dụng thiết bị tiết kiệm điện
Đồng loạt “vào cuộc”
Thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện TKĐ; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 28/1/2011 của Bộ Công Thương về việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện vào các tháng mùa khô năm 2011, đến thời điểm này, cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều tăng cường TKĐ trên địa bàn.
Khảo sát tại các tỉnh khu vực phía Nam cho thấy, mỗi địa phương đều có những giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng sử dụng điện. Trong đó, với các hộ gia đình, tích cực vận động bà con hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm từ 18-22giờ, tắt các thiết bị điện, đèn chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng; vận động các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại sẵn sàng cắt giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của ngành điện địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện, hay hệ thống đèn chiếu sáng vườn hoa, công viên chỉ sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, giảm 50% công suất chiếu sáng vào giờ cao điểm buổi tối…
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, ngoài thực hiện các giải pháp TKĐ còn chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hoặc xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.
Trà Vinh là tỉnh có sản lượng điện thương phẩm bình quân 420 triệu kWh/năm, trong đó 65% sản lượng là ánh sáng, sinh hoạt, công nghiệp-xây dựng chỉ chiếm 28% cũng lập danh sách gồm 20 khách hàng trọng điểm có công suất tiêu thụ điện từ 500kW hoặc có sản lượng điện sử dụng năm trước từ 3 triệu kWh trở lên xây dựng kế hoạch TKĐ với mục tiêu tiết kiệm mỗi năm ít nhất 1% nhu cầu điện năng tiêu thụ.
Song song với đó, Tổng Công ty (TCT) Điện lực miền Nam, đơn vị quản lý 21 công ty điện lực ở khu vực phía Nam (trừ thành phố Hồ Chí Minh) và có sản lượng điện thương phẩm cao nhất trong 5 TCT điện lực phân phối trong cả nước, đã xây dựng Chương trình tuyên truyền TKĐ năm 2011 bằng các phóng sự, chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành nhiều kỳ trong năm ở các địa phương.
Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh vào việc lan tỏa trong cộng đồng về nhận thức và hành vi sử dụng đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời, các thiết bị điện dân dụng TKĐ hiệu quả. Các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kiểm tra sử dụng điện và mạnh dạn đầu tư các thiết bị điện hiệu suất cao để giảm chi phí sử dụng điện, tăng lợi thế cạnh tranh cũng như nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý điện.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có sản lượng điện thương phẩm lớn thứ 3 sau TCT Điện lực miền Nam và miền Bắc, còn coi việc chấp hành Chỉ thị TKĐ là một trong những tiêu chí xem xét khen thưởng cuối năm. Ban Chỉ đạo TKĐ thành phố có nhiệm vụ lập danh sách các tổ chức, cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm các biện pháp TKĐ, báo cáo UBND thành phố vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.
Nền tảng vẫn là tuyên truyền
Theo ông Đặng Văn Dình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh, hiện Công ty đã in và phát hành gần 480.000 hóa đơn tiền điện có nội dung tuyên truyền TKĐ; phối hợp với Đài truyền thanh huyện phát 306 lần nội dung tuyên truyền TKĐ; xây dựng các phóng sự phát trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh về tình hình cung cấp điện, nêu gương điển hình cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc TKĐ trong sinh hoạt, sản xuất, chiếu sáng công cộng, cơ quan nhà nước.
Còn đối với Công ty Điện lực Sóc Trăng, ngoài phối hợp với Đài Truyền thanh các huyện, thành phố tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả trên địa bàn, mỗi ngày 1 lần vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6/2011. Tỉnh này còn phổ biến các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tới người dân thông qua các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đồng thời ký quy chế phối hợp với các đoàn thể trong tỉnh về việc sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, năm nay, TCT Điện lực thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai sâu rộng chương trình Gia đình thi đua TKĐ trên toàn thành phố qua việc phát hành 1,8 triệu quyển cẩm nang TKĐ và thông báo chương trình đến tất cả 1,78 triệu khách hàng. Các tuyên truyền viên tại các Công ty điện lực tham dự hơn 1.300 cuộc họp tại các tổ dân phố, các phường, xã để phổ biến chương trình này đến tận người dân.
Bên cạnh đó, TCT cũng phối hợp với Sở Công Thương tham gia các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp TKĐ cho các đối tượng khách hàng, góp phần tạo hiệu ứng sâu rộng cho chương trình và sự chuyển biến rất tích cực trong ý thức TKĐ của tất cả khách hàng sử dụng điện, hình thành ý thức TKĐ trong nhân dân và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Hiệu quả thấy rõ
Theo tình hình tiêu thụ điện và qua áp dụng sát sao các biện pháp TKĐ, 5 tháng đầu năm nay, tổng điện năng tiết kiệm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt tới 140,21 triệu kWh, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó, lĩnh vực chiếu sáng công cộng gần 33,6 triệu kWh, hành chính sự nghiệp 18,3 triệu kWh, ánh sáng sinh hoạt gần 53,2 triệu kWh và sản xuất tiết kiệm trên 35,1 triệu kWh.
Đến nay, thành phố đã có 1875/2336 khách hàng cơ quan hành chính sự nghiệp đăng ký phương án sử dụng điện. Còn 461 đơn vị chưa thực hiện sẽ tiếp tục được TCT Điện lực thành phố vận động đăng ký trong quý 2 này.
TCT đã hoàn tất công tác lập biên bản thỏa thuận về việc thực hiện các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải điện và TKĐ với 898 khách hàng lớn có điện năng tiêu thụ trung bình trên 100.000 kWh/tháng và đang triển khai cho 993 khách hàng lớn có điện năng tiêu thụ trung bình từ 50.000 đến dưới 100.000 kWh/tháng. Đối với khách hàng có điện năng tiêu thụ trung bình trên 100.000 kWh/tháng, TCT đã làm việc với 681 khách hàng thuộc đối tượng sản xuất, 175 khách hàng thuộc đối tượng kinh doanh dịch vụ và 42 khách hàng thuộc đối tượng khác. Đánh giá sơ bộ cũng cho thấy hơn 600.000 hộ gia đình tham gia thi đua TKĐ, với mức tiêu thụ điện giảm 10% trở lên so với cùng kỳ. TCT còn kiểm tra nhắc nhở chủ quản lý 5.251 bảng quảng cáo tiết giảm 50% công suất, không để có trường hợp sử dụng điện lãng phí và tắt hẳn sau 22 giờ hàng ngày.
Với sản lượng điện thương phẩm dự kiến cả năm nay là 14,2 tỷ kWh, thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu tiết kiệm 232 triệu kWh, chiếm 1,5% tổng sản lượng điện thương phẩm.
Về phía tỉnh Trà Vinh, nhờ triển khai tốt công tác TKĐ, 5 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu kWh, tăng 33,3% so với kế hoạch. Và tỉnh Sóc Trăng cũng vậy, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết, đến cuối tháng 5/2011, toàn tỉnh cũng đã tiết kiệm được 2,8 triệu kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ nhờ thực hiện tích cực các giải pháp TKĐ trên toàn địa bàn. Sóc Trăng còn phối hợp với Công ty Phát hành sách tặng 100.000 tập vở có in các biện pháp TKĐ ở mặt sau tập vở; đổi 46.000 bóng đèn tròn bằng đèn compact cho các hộ nghèo…
Khi TKĐ giờ đây đã trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân và ngày càng có nhiều tổ chức trong xã hội cùng phối hợp với ngành điện tham gia, khi cả hệ thống chính trị cùng “vào cuộc”, mới thấy rõ: TKĐ đã trở thành hành động thiết thực chứ không chỉ là hô hào khẩu hiệu.
Theo TTXVN