Saturday, 11/01/2025 | 16:07 GMT+7

Chế tài để giảm lãng phí năng lượng

26/09/2011

TKNL và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

10% là mức tiêu thụ năng lượng mà lĩnh vực thương mại và dịch vụ đang sử dụng. Và mức này sẽ tăng lên thêm 3,6 lần trong vòng 10 năm tới. Những con số này sẽ tạo áp lực rất lớn đến hoạt động cải thiện chất lượng không khí nói riêng và an ninh năng lượng của nước ta.

ec0cb9d4d_lang_pgi.jpg

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính: thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí trên 70%, đèn chiếu sáng chiếm 10%, thiết bị văn phòng, thang máy và máy bơm nước gần 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị: thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí khoảng 75%, thiết bị chiếu sáng là 10%, các thiết bị khác chiếm 15%. Trong khi đó, đối với khách sạn: thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí 60%, thiết bị chiếu sáng khoảng 25%, các thiết bị khác 15%. Việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà đã tiến hành khảo sát cho thấy có nhiều bất cập, dẫn đến gây thất thoát, lãng phí năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng (TKNL) chưa đồng bộ. Còn thiếu một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về TKNL nói chung và các công trình xây dựng nói riêng. Cụ thể như quy định về việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí; lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL… Ngoài ra, ý thức về TKNL của người sử dụng còn hạn chế nhưng chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng lãng phí năng lượng…

Trên thực tế, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc; sử dụng các vật liệu TKNL; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian, ánh sáng tự nhiên… thì có thể tiết kiệm từ 30% - 40% năng lượng tiêu thụ. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL thì cũng có thể tiết kiệm được từ 15% - 25%”. Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Theo đó, sẽ thực hiện bắt buộc các đơn vị phải tuân thủ sử dụng năng lượng có hiệu quả khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình thương mại, trụ sở hành chính nhà nước, nhà ở cao tầng… Vấn đề còn lại là các đơn vị phải làm như thế nào để thực hiện quy định này. Điều không chỉ có ý nghĩa cho các đơn vị tồn tại mà còn giúp giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Có thể nói, việc TKNL và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đặc biệt góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng không khí vốn đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân, nhất là người dân sống khu vực đô thị.

Theo sggp.org.vn