Tuesday, 24/12/2024 | 00:48 GMT+7

Nhãn năng lượng: Giờ G đã điểm

02/07/2013

Từ ngày 1/7/2013, một số thiết bị tiêu thụ điện thuộc nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc phải thực hiện dán nhãn năng lượng trước khi tiêu thụ ra thị trường.

Từ ngày 1/7/2013, một số thiết bị tiêu thụ điện thuộc nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc phải thực hiện dán nhãn năng lượng trước khi tiêu thụ ra thị trường. 

Ông Cao Quốc Hưng, Tổng cục phó, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương nhấn mạnh "Dán nhãn năng lượng  hoạt động  nhằm  nhằm ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao". 

Tại thời điểm này, thời hạn bắt buộc thực hiện dán nhãn năng lượng cho một số thiết bị tiêu thụ điện thuộc nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp đã chính thức được thi hành. Các phương tiện, thiết bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng bao gồm: đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.

 

Từ dự án quốc gia

Danh mục bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/7/2013

Nhóm thiết bị gia dụng: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện.

Nhóm thiết bị công nghiệp: Bao gồm máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện.

Trong bối cảnh thiếu năng lượng toàn cầu, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và khuôn khổ pháp lý được Chính Phủ rất qua tâm. Từ các chỉ thị, quy định pháp lý, chương trình hành động đến công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn sử dụng năng lượng đã được quán triệt, triển khai rộng khắp ở mọi cấp, mọi ngành, trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2012 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực và trở thành hành lang pháp lý quan trọng cho toàn bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Một trong những quy định quan trọng của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là Chương trình dán nhãn năng lượng. Trên thế giới, hơn 100 nước đã thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm đồ điện gia dụng, điện tử. Tại Việt Nam, hoạt động dán nhãn năng lượng cũng đã được triển khai từ rất sớm cùng Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

4aed47f42_anh_top.jpg

                                                       Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm có tính năng tiết kiệm năng lượng


Sau thời gian thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho một số phương tiện, thiết bị bao gồm đèn compact, đèn huỳnh quang, balast, quạt điện… hiện nay, Bộ Công Thương bắt đầu thực hiện dãn nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc đối với thiết bị gia dụng và công nghiệp. Cùng với Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định về hoạt động dán nhãn năng lượng, hàng loạt Quyết định, thông tư đã được ban hành hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng. Bên cạnh đó là các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về nhãn năng lượng.

Xử phạt vi phạm về Nhãn năng lượng

- Phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách

- Phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đã hết hạn.

- Đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị bắt buộc dán nhãn mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.

- Phạt tiền lên đến 70 triệu đồng đối với hành vi dán nhãn năng lượng không đúng với giấy chứng nhận được cấp hoặc dán nhãn cho sản phẩm chưa được cấp chứng nhận tiết kiệm năng lượng.

Song song với các quy định pháp lý tạo hành lang cho hoạt động dán nhãn năng lượng, sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất cũng được hoàn thiện dần. Về nhân lực, ngoài các chuyên gia Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, tham gia chương trình dán nhãn năng lượng còn có các chuyên gia Bộ Khoa học và công nghệ, chuyên gia dự án “ Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng” – Bresl. Về cơ sở vật chất, Việt Nam hiện có 6 trung tâm có thể kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn năng lượng là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3); Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM; Trung tâm thử nghiệm - Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin);  Phòng thử nghiệm Công ty TNHH Intertek Testing Services (ThaiLand) và Phòng thử nghiệmKorea Testing Laboratory.

Hiện tại,  4 nhóm danh mục phương tiện, thiết bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng theo quy định của Chính Phủ đều đã có Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành.


Đến sự chủ động của Doanh nghiệp

Tại thời điểm năm 2009, khi chương trình thử nghiệm dán nhãn năng lượng tự nguyện do Bộ Công Thương khởi xướng, mặc dù đây là hoạt động khá mới mẻ tại Việt Nam song chương trình đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ phía doanh nghiệp. Có thể kể đến những “tên tuổi” tham gia chương trình dán nhãn năng lượng từ rất sớm như Rạng Đông, Điện Quang, Daikin, Quạt điện ASIA… Tất cả các Doanh nghiệp tham gia chương trình đều khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa, giúp loại bỏ dần các thiết bị hiệu suất thấp, sản phẩm được dán nhãn năng lượng có sức cạnh tranh hơn trên thị trường và nhanh chóng “ghi dấu” chất lượng đối với người tiêu dùng.

57e999169_2_nhan.jpg

Nhãn năng lượng nhận biết và nhãn năng lượng so sánh chính thức do Bộ Công Thương ban hành

Theo phản hồi của các doanh nghiệp, sản lượng bán hàng của doanh nghiệp đối với dòng sản phẩm được dán nhãn năng lượng tăng vượt bậc. Đơn cử như  trường hợp của Công ty cổ phần quạ điện ASIA Vina, so với năm 2010, doanh số bán ra của ASIA Vina đã tăng hơn 10%. Thị phần quạt ASIA Vina hiện chiếm khoảng 25% trên thị trường và chiếm đến 50% quạt sản xuất trong nước. 

Nếu tại thời điểm năm 2012, đa phần doanh nghiệp vẫn còn “thờ ơ” với hoạt động dán nhãn năng lượng thì đến thời điểm đầu năm 2013 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm đã có 1240 mã sản phẩm thuộc 10 nhóm sản phẩm được dán nhãn năng lượng. 100% các chủng loại máy điều hòa nhiệt độ (khoảng 280 chủng loại), 90% nhóm thiết bị đèn chiếu sáng, 285 chủng loại sản phẩm nồi cơm điện, quạt điện các thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất đã hoàn tất đăng ký dán nhãn năng lượng. Một số doanh nghiệp còn chủ động lựa chọn phòng thử nghiệm để nhanh chóng hoàn tất thủ tục dán nhãn năng lượng. Đơn cử như, LG Việt Nam đã chủ động thực hiện việc kiểm tra sản phẩm tại các phòng thí nghiệm ở Thái Lan, Hàn Quốc và nhanh chóng áp dụng việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm điều hòa nhiệt độ bán ở thị trường Việt Nam. 

Như vậy, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định,  hoạt động dán nhãn năng lượng đã đem lại hiệu quả cao, đạt được mục tiêu thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Thông qua Chương trình dán nhãn năng lượng, nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được nhân lên rõ rệt. 

Các văn bản pháp luật về nhãn năng lượng

- Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, số 50/2010/QH12, ngày 28/6/2010, Hiệu lực từ ngày 01/01/2011.

- Nghị Định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/03/2011 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hiệu lực từ ngày 15/5/2011.

- Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24/08/2011 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hiệu lực thi hành từ 15/10/2011.

- Quyết định số 51/2011/QĐ-Ttg ngày 12/09/2011 về Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, Hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2011.

- Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04/4/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.

- Quyết định Quyết định 03/2013/QĐ-Ttg ngày 14 tháng 1 năm 2013 Sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 51/2011/QĐ –Ttg của Thủ tướng Chính phủ.


Trần Liễu