Friday, 15/11/2024 | 15:34 GMT+7
Việt Nam cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa
Nhu cầu lớn
Tại Hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam: Góc nhìn công nghệ”, ông Đỗ Đức Tưởng – nhóm năng lượng tái tạo Việt Nam cho biết, nhu cầu điện ở Việt Nam tăng thêm 10% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2030 và được đáp ứng bằng việc tăng công suất nguồn điện than.
Cụ thể, nếu như các năm 2015-2016 nhiệt điện than mới chiếm 34% thì đến năm 2020 lên đến 49%, năm 2025 lên 55% và đến năm 2030 dừng lại ở mức 54%, trong khi các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện chạy bằng dầu, khí hóa lỏng không tăng, thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến năm 2030 chiếm khoảng 10%. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 ngành điện phải sử dụng 39 triệu tấn than nội địa, chủ yếu là than Hòn Gai (Quảng Ninh) với chất lượng không cao, song lượng than này không đáp ứng đủ nhu cầu nên dự kiến phải nhập khoảng 25 triệu tấn và tăng lên 85 triệu tấn vào năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, Việt Nam đã lựa chọn phương án tăng công suất điện than. Các chuyên gia đánh giá, với các nước đang phát triển như Việt Nam việc phát triển nhiệt điện than vẫn luôn chiếm ưu thế. Đặc biệt trong bối cảnh thủy điện đã phát triển gần hết và các nguồn năng lượng khác khó đáp ứng vì khá đắt đỏ thì nhiệt điện than vẫn là phương án hợp lý do chi phí thấp.
Tuy nhiên, công nghệ nhiệt điện than vẫn là bài toán khó đối với ngành điện hiện nay. Hiện nhiều nhà máy nhiệt điện than có thông số hơi nước ở mức cận tới hạn, nhiều nhà máy đã hoạt động 40-50 năm nên công nghệ lạc hậu. Nếu như phát triển điện than theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh thì phải áp dụng các công nghệ mới, trong đó phải sử dụng các thông số siêu cao, trên siêu cao để hạn chế tối đa các phát thải độc hại ra môi trường như khí, rắn, nước.
Mục tiêu Quy hoạch điện VII vào năm 2020 Việt Nam đạt 265 tỷ kWh, đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh. Với mức độ tăng trưởng cao, ngoài việc phát triển nhiệt điện than thì cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Theo TS.Lê Đăng Doanh, mức độ sử dụng điện đầu người tính theo GDP, nước ta sử dụng điện/GDP rất cao: 0,714 so với Trung Quốc, 0,510 so với Philippin sử dụng rất thấp. Có nghĩa là hiện nay với giá điện thấp, sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu, cường độ sử dụng nguồn điện với giá GDP là quá cao, lượng điện tiêu thụ trong thời gian tới sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp sẽ tăng lên. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ồ ạt vào 2 ngành công nghiệp điện nước ta là xi măng và thép bởi giá điện thấp. Nhưng 2 ngành này lại gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề nên chúng ta phải xem xét đầu tư, phát triển năng lượng một cách bền vững.
Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, qua đó giảm dần tỷ trọng của điện than. Với điện gió, tiềm năng này đạt khoảng 50-100KW/m2/năm, tiềm năng kỹ thuật (có thể khai thác được) là 30.000MW/năm. Đối với điện mặt trời, cường độ bức xạ mặt trời lớn nhất là 205kWh/năm. Tiềm năng kỹ thuật đạt tới 20.000MW và nếu khai thác tốt sẽ giảm bớt nhu cầu điện than ở phía Nam. Việc phát triển điện mặt trời cũng tiêu tốn ít tài nguyên. Theo đó, để làm 1MW điện mặt trời cần khoảng 1-1,5ha. Pin mặt trời cũng có thể lắp đặt trên mái nhà, mặt hồ. Việc sử dụng nước chỉ cần khoảng 100m3/tháng cho công suất 20MW…
Theo GS.TS Nguyễn Thế Mịch – Đại học Bách khoa Hà Nội, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều thách thức. Riêng với điện gió đang phải đối diện với những rào cản như giá đầu tư cao, nhưng giá bán chỉ ở mức 2.000 đồng/kWh. Việc tiếp cận vốn vay khó, hạ tầng kỹ thuật thiếu, thiếu nhân lực có chuyên môn kỹ thuật. Để triển khai một dự án điện gió, chỉ riêng việc đo gió đã tốn nhiều thời gian, ít nhất 1 năm chưa kể đến việc xin phép, đàm phán về đất đai. Ngoài ra, cũng phải sử dụng các phầm mềm mà giá của mỗi phần mềm là 1 triệu USD. Cột đo gió cũng cần vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu phát triển năng lượng tái tạo sẽ gặp khó khăn trong việc lưu trữ, đặc biệt với điện mặt trời vào những ngày không có nắng. Ngoài ra, nguồn phân tán năng lượng tái tạo cũng không ổn định, không phải nơi nào cũng phát triển được.
Ngoài ra, khó khăn với các doanh nghiệp đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các mô hình như: Các dự án về năng lượng tái tạo, tái chế rác thải sinh hoạt và rác trong nông nghiệp thành năng lượng…
Theo Pháp luật Việt Nam