Saturday, 23/11/2024 | 03:54 GMT+7

Tham vấn Chương trình VNEEP giai đoạn 2019 -2030

05/07/2018

Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3).

 

Ngày 5/7/2018, Tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3). Mục tiêu của Chương trình là  đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương 50-60 triệu TOE.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương khai mạc hội thảo.

Chương trình được xây dựng gồm 6 dự án thành phần: Tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức và hướng dẫn cách thức thực hành, sử dụng trang thiết bị HQNL và các công nghệ TKNL, hiệu suất cao; Dự án Hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường sản phẩm, công nghệ, thiết bị hiệu suất năng lượng cao và dịch TKNL; Dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ trong các công trình xây dựng; Dự án Thúc đẩy TKNL trong ngành Giao thông vận tải; Dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Dự án Thúc đẩy Chương trình  giáo dục về SDNL TK&HQ vào hệ thống giáo dục quốc gia.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày kết quả chương trình VNEEP 1 và 2

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị được tổ chức tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã rà soát và bổ sung thêm 2 dự án đề xuất triển khai trong giai đoạn 2019 -2030. Tổng nhu cầu nguồn vốn cho cả giai đoạn ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng dự kiến huy động chính từ vốn ngân sách và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam trình bày nội dung dự thảo

Tại dự thảo VNEEP 3, Bộ Công thương đã mạnh dạn đưa vào những đề xuất về cơ chế khuyến khích đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những cơ chế là thiết lập các quỹ để thúc đẩy TKNL cho các doanh  nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ chế để thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng (ESCO). Thông qua đó hướng tới việc xây dựng một thị trường TKNL bền vững và vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế này sẽ không làm tăng thêm chi tiêu công mà mục tiêu là làm sao thu hút được nhiều hơn sự tham gia của các khu vực tư nhân và nước ngoài, tăng cường hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực TKNL.

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Sở KH&CN TP.HCM đã trình bày cơ chế tài chính trong tiết kiệm năng lượng thông qua mô hình công ty ESCO. Theo ông Tước, lĩnh vực đầu tư ESCO tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả cần xây dựng được cơ chế chính sách hoàn thiện, các tiêu chí và thể chế tín dụng đi kèm. Đặc biệt, cần xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.

Về vấn đề chính sách, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức rà soát Luật sử dụng năng lượng TK&HQ. Bên cạnh tăng tính thực thi Luật, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai VNEEP 1 và 2, Chương trình VNEEP 3 sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường liên kết mạng lưới TKNL trên toàn quốc.

Hiện nay Bộ đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, GIZ… triển khai các dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp khi triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng có thể tìm đến các nguồn vốn vay với thời hạn vay lên đến 10 năm do Ngân hàng thế giới giải ngân thông qua các ngân hàng thương mại trên cả nước.

Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 đã đã được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc và đạt được mục tiêu đề ra. Từ sau năm 2015, nhiều địa phương đã xây dựng được Chương trình Sử dụng năng lượng trên địa bàn. Đại diện các Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính Phủ ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 để các địa phương có căn cứ triển khai trong thời gian tới. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị nhằm đánh giá trao đổi kinh nghiệm thực hiện các chương trình giữa các địa phương, tăng cường khả năng liên kết vùng, tăng hiệu quả tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một số hình ảnh hội thảo: 

Toàn cảnh hội thảo

Đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phát biểu tại hội thảo 

 Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Sở KH&CN TP.HCM
 
        Bài: Trần Linh; Ảnh: Xuân Tư