Monday, 23/12/2024 | 12:08 GMT+7

Tham vấn Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023

14/09/2023

Ngày 13/9/2023, tại Hà Nội Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức Hội thảo tham vấn về các kết quả sơ bộ của Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Điện lực và Năng lực tái tạo, Bộ Công Thương; đại diện Cục năng lượng Đan Mạch; Đại sứ quán Đan Mạch; đại diện Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (Depp3); cùng nhiều đại diện đến từ các Bộ, ngành, đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
 Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2017, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục năng lượng Đan Mạch, các chuyên gia trong nước và quốc tế, Bộ Công Thương đã xây dựng Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam với các ấn phẩm đã được ban hành. Nối tiếp các hoạt động này, năm 2023, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch triển khai xây dựng Báo cáo Triển vọng năng lượng năm 2023. Báo cáo này cung cấp sâu hơn và xem xét 2 kịch bản tương ứng với 2 lộ trình khác nhau cho Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 
"So với ấn phẩm năm 2021, Báo cáo năm 2023 được nhóm chuyên gia Depp3 cập nhật thêm mô hình, dữ liệu, các giải pháp công nghệ như công nghệ lưu trữ điện năng, hydrogen, bổ sung các công nghệ sản xuất điện để thoàn thiện các công cụ tính toán, phân tích các kịch bản phát triển điện và năng lượng, từ đó đưa ra khuyến nghị về chính sách nhằm tìm kiếm một lộ trình với chi phí hợp lý nhất giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050."
Ông Rasmus Munch Sorensen, Cố vấn dài hạn Chương trình Depp3 khái quát về mục tiêu tổng thể của Báo cáo Triển vọng năng lượng năm 2023
Tại Hội thảo, ông Rasmus Munch Sorensen, Cố vấn dài hạn Chương trình Depp3 đã giới thiệu tổng quan về Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2023 (EOR23). Theo đó, mục tiêu tổng thể của EOR23 là khai thác lộ trình để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tìm ra những quyết định và thách thức gắn với lộ trình này.
Để đạt được mục tiêu trên, Depp3 đã thiết kế 03 kịch bản chi tiết, trong đó, có một kịch bản cơ sở để hiển thị xu hướng mới nhất với những chi phí công nghệ và chính sách mới nhất, không có chỉ tiêu về khí hậu nào được đề ra. Thứ hai là kịch bản Net Zero có ràng buộc, trong đó bao gồm các chính sách hiện hành, các dự án đầu tư đã được lên kế hoạch, các chỉ tiêu ngành,... Thứ ba là kịch bản Net Zero có chi phí thấp nhất, trong đó các mô hình được tối ưu hóa với những hạn chế tối thiểu.
TS. Nguyễn Hoàng Lan, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày về thiết lập mô hình và các kết quả ban đầu của các ngành sử dụng năng lượng cuối cùng
Trên cương vị đại diện nhóm chuyên gia mô hình TIMES và là người có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các Báo cáo Triển vọng năng lượng, TS. Nguyễn Hoàng Lan, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trình bày về thiết lập mô hình và các kết quả ban đầu của các ngành sử dụng năng lượng cuối cùng. Đồng thời, thảo luận các nội dung liên quan đến định hướng phát triển các ngành công nghiệp nặng và sử dụng nhiều năng lượng; Vai trò của hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực sử dụng cuối cùng; Các biện pháp điện hóa khí trong lĩnh vực tòa nhà. Vấn đề nhiên liệu xanh cho ngành giao thông vận tải, nhiên liệu sinh học trong công nghiệp và phát triển hydro cùng các dẫn xuất hydro cũng là nội dung được thảo luận tại Hội thảo.
TIMES là một mô hình cân bằng một phần đưa ra các giải pháp cho hệ thống năng lượng tổng thể của địa phương, quốc gia, khu vực với chi phí nhỏ nhất. Mô hình TIMES có cách thức tiếp cận từ dưới lên và rất giàu công nghệ. Đặc biệt, mô hình có biến điều khiển là nhu cầu dịch vụ năng lượng của từng ngành dựa trên giả định thị trường cạnh tranh hoàn hảo và được dự báo dài hạn.
Hội thảo cũng dành thời gian để đại diện Viện năng lượng trình bày về thiết lập mô hình và các kết quả ban đầu của ngành điện. Trong đó, chú trọng cập nhật tiềm năng điện mặt trời và điện gió ngoài khơi, cũng như tiềm năng của các loại năng lượng tái tạo khác. Đi đôi với đó là giới hạn tiềm năng năng lượng hóa thạch trong nước.
Bà Lê Thu Hà, phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng) báo cáo tại Hội thảo
Ngoài ra, đại diện Viện Năng lượng cũng chỉ ra một số phát hiện quan trọng trong ngành điện, điển hình là việc năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính cho ngành điện; Điện hạt nhân có khả năng cạnh tranh sau năm 2045 trong các kịch bản Net Zero; Truyền tải điện liên vùng sẽ tăng gấp đôi từ năm 2030 đến năm 2050 trong các kịch bản Net Zero; Ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính sẽ giảm sau năm 2035 trong các kịch bản Net Zero và sau năm 2040 trong kịch bản cơ sở,...
Cuối Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng tham gia thảo luận, góp ý để hoàn thiện kết quả phân tích Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023. Những ý kiến này có ý nghĩa quan trọng giúp nhóm tư vấn tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trong thời gian tới.
Dự kiến Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2023 sẽ hoàn tất và được công bố vào cuối năm 2023.
Một số hình ảnh nổi bật tại phiên thảo luận của Hội thảo:
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia thảo luận
Ông Trần Thanh Liễn, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đặt câu hỏi về mô hình TIMES.
Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội thảo.
PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam-Nhật Bản (Đại học Bách Khoa Hà Nội)
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam với tầm nhìn tới năm 2050 (EOR) bao gồm các nội dung về mô hình hóa kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và tiết kiệm năng lượng trong các ngành kinh tế.
Ấn phẩm đầu tiên của EOR đã được xuất bản vào năm 2017 (EOR17), đánh dấu bước khởi đầu của việc đưa ra các tầm nhìn dựa trên kịch bản dài hạn cho hệ thống năng lượng Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng cho phân tích hệ thống năng lượng trên cơ sở các mô hình hệ thống năng lượng tiên tiến. 
EOR21 đã được công bố vào ngày 02 tháng 6 năm 2021 tại Hà nội. EOR 21 cung cấp nền tảng trên cơ sở kịch bản hoá để hỗ trợ các quyết định chính sách bằng cách làm rõ triển vọng phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa đầy đủ và chi tiết. Điểm đặc biệt của EOR 21 là dựa trên mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc  (COP26), các kịch bản đã được xem xét cùng những phát hiện và khuyến nghị mới.
Minh Khuê