Tuesday, 21/01/2025 | 02:02 GMT+7
Được đánh giá là địa bàn có số lượng doanh nghiệp vừa
và nhỏ lớn (chiếm đến 95%) trong số đó nhiều doanh nghiệp thiết bị lạc
hậu, hư hỏng, gây lãng phí năng lượng. 80% năng lượng tiêu thụ hàng năm phục vụ
sản xuất và sinh hoạt của Thừa Thiên Huế sử dụng điện năng.
Để giảm thiểu gánh nặng cho ngành điện, tiết kiệm chi phí, nhiều nỗ lực, biện pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) nói chung, tiết kiệm điện nói riêng đã được triển khai áp dụng trong mọi lĩnh vực của tỉnh.
TKNL trong sản xuất
công nghiệp
Kết quả khảo sát của Sở Công Thương Thừa Thiên Huế tại một số đơn vị tiêu thụ lớn trên địa bàn cho thấy tiềm năng TKNL có thể đạt đến 20%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, qua khảo sát 9 đơn vị sản xuất công nghiệp, dịch vụ có mức tiêu thụ điện năng lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Dệt May Huế, Công ty TNHH Xi măng Luks, Bia Huế, Khách sạn Xanh… sản lượng điện năng có thể tiết kiệm được từ 25-80 tỷ/6 tháng; cả tỉnh ước 150-250 tỷ đồng/ năm (tương đương gần 10% tổng thu ngân sách của tỉnh).
Đó là chưa kể, theo quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn năm
2020, Thừa Thiên Huế sẽ có tới 8 Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao với tổng
diện tích tới 8.000 ha, và 16 cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp làng nghề
với diện tích 560 ha.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thừa Thiên Huế đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trung bình 15%/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả càng phải được quan tâm hơn nữa.
Trước tình hình đó, từ năm 2006-2008, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện bước đầu về Chương trình sử dụng năng lượng tái tạo từ nguồn hỗ trợ, tư vấn của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và các công ty sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời, năng lượng gió; trình diễn mô hình sử dụng pin mặt trời, hầm biogas tại những khu vực không tiếp cận điện lưới quốc gia…
Năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Tư vấn phát triển ngành công nghiệp được giao thêm chức năng hoạt trong lĩnh vực TKNL và tham gia mạng lưới các Trung Tâm TKNL Quốc gia thuộc Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương nhằm tiếp cận với công nghệ TKNL tiên tiến áp dụng thực tiễn vào điều kiện của tỉnh.
Đến hết 2009, Thừa Thiên Huế đã thực kiểm toán được cho nhiều doanh nghiệp trọng điểm và tòa nhà trên địa bàn tỉnh. Tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế, kết quả kiểm toán đã tìm ra được 7 cơ hội TKNL. Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 720 triệu có thể tiết kiệm 437 Kwh/năm tương đương khoảng 450 triệu đồng/năm.
Tại Công ty TNHH Du lịch Công Đoàn Sông Hương, kết quả kiểm toán đã tìm ra được 5 cơ hội tiết kiệm năng lượng và đã đề ra giải pháp tiết kiệm cho đơn vị. Với chi phí đầu tư cải tạo hệ thống năng lượng hiện có khoảng 184 triệu đồng, khả năng tiết kiệm lên tới 116 triệu đồng/năm, chỉ sau khoảng 20 tháng doanh nghiệp có thể hoàn vốn.
Nhiều cách làm
hay
Công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo giấy được lãnh đạo Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Thông qua đó, những nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở lên gần gũi hơn với mọi đối tượng quần chúng.
Cụ thể, trên báo Thừa Thiên Huế, mỗi tháng đều đăng riêng 1 chuyên mục TKNL; phát động phong trào nhà nhà, người người sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trên sóng truyền hình HTV cũng đã xây dựng được chuyên mục giới thiệu phổ biến chương trình TKNL.
Ngoài ra, một hình thức tuyên truyền hiệu quả khác cũng rất phát huy được hiệu quả là phát tờ rơi về tiết kiệm điện đến các cơ quan công sở, khách sạn trong tỉnh.
Với đối tượng là doanh nhiệp, Trung tâm NCƯD&TVPTNCN Thừa Thiên - Huế đã triển khai hàng loạt biện pháp góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chương trình SDNLTK&HQ trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức thành công Hội thảo về các biện pháp TKNL; Giới thiệu những thiết bị TKNL; Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức triển khai các biện pháp TKNL cho từng ngành, từng doanh nghiệp. Thông qua đó, một số doanh nghiệp đã có những sáng kiến, nhằm tìm ra các giải pháp TKNL tối ưu như Công ty CP Men Frít Huế, Công ty Xi măng Luks, Công ty CP sợi Phú Bài.
Ngoài việc chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ quản lý năng lượng thông qua các lớp tập huấn kiểm toán năng lượng, Trung tâm NCƯD&TVPTNCN đã phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế ứng dụng năng lượng tái tạo cho cụm dân cư, công nghệ sử dụng bếp năng lượng mặt trời.
Với hệ thống chiếu sáng công cộng, chỉ bằng giải pháp đơn giản là điều chỉnh đồng hồ hẹn giờ đóng, cắt điện tùy theo thời tiết; lắp thiết bị điều chỉnh điện năng đã giúp tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ mà không phải cắt bớt đèn vào giờ thấp điểm đồng thời vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về độ đồng điều trong chiếu sáng giao thông.
Đặc biệt, trong năm 2009, Công TNHH Nhà nước Môi trường và công trình đô thị Huế đã đầu tư 390 triệu đồng lắp đặt thí điểm 41 bộ đèn công suất kép sodium 100W/70W tại đường Bùi Thị Xuân và 170 bóng đèn chiếu sáng sodium công suất 50W tại các đường kiệt, ngõ xóm. Giải pháp trên đã công ty tiết kiệm chi phí trên 1,7 tỷ đồng mỗi năm.
Bằng những cách làm cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia TKNL tại Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu quả thiết thực có tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo mặc vẫn còn nhiều khó khăn về vốn, nhân lực song với sự quyết tâm từ phía địa phương cùng sự hỗ trợ từ Trung ương, chắn chắn rằng Chương trình MTQG tại Thừa Thiên Huế sẽ khẳng định được tính bền vững, tiếp tục có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo.
Linh Hùng