Friday, 15/11/2024 | 12:38 GMT+7
Dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu có tổng mức đầu tư 3.983,3 tỷ đồng, là một dự án thành phần của Trung tâm điện lực Sông Hậu, bao gồm các hạng mục chính: San lấp mặt bằng và hàng rào tạm Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn 1; Cảng dùng chung gồm 01 bến nhập thiết bị 3.000DWT, 01 bến xuất thạch cao 3.000DWT, 01 bến đá vôi 1.000DWT và 02 bến xuất tro xỉ 3.000DWT; Hệ thống điện cấp nguồn điện 22 KV và cấp nước cho thi công lắp đặt nhà máy điện Sông Hậu 1; Khu nhà làm việc của Ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú – Sông Hậu.
Trung tâm điện lực Sông Hậu có quy mô công suất dự kiến khoảng 5.200MW – là
trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam tính đến nay- lớn gấp hơn 2 lần công suất
thiết kế của Nhà máy Thủy điện Sơn La).
Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xác định là trung tâm điện lực vùng, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho khu vực phía Nam và điều hòa chung cho cả nước thông qua hệ thống đường dây 220/500KV Bắc - Nam. bao gồm 3 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than gồm: Nhà máy điện Sông Hậu 1 (2x600 MW), NMĐ Sông Hậu 2 (2x1000 MW), NMĐ Sông Hậu 3 (2x1.000 MW) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác cũng sẽ được xây dựng.
Trong đó, dự án đầu tiên là dự án Nhà máy điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, với quy mô công suất 2 x 600MW được thiết kế theo sơ đồ khối gồm 2 tổ máy, công suất định mức mỗi tổ máy là 600MW sử dụng than nhập khẩu, nước làm mát sử dụng nước sông Hậu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 vào năm 2011 và đưa tổ máy thứ nhất phát điện vào cuối năm 2015, tổ máy 2 vào năm 2016.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước với mức tăng trưởng GDP khoảng 7-8%/năm trong giai đoạn 2010-2015, dự báo nhu cầu phát triển phụ tải điện sẽ tăng ở mức trên 15-17%/năm. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện Sông Hậu 1 cũng như một số nhà máy điện than khai thác tại khu vực ĐBSCL là hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và của cả nước nói chung với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Theo Báo Công thương