Friday, 22/11/2024 | 22:35 GMT+7
Nằm ngay trung tâm Thành phố Hải Phòng, hơn 1 thế kỷ qua Bệnh
viện hữu nghị Việt Tiệp đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người
dân trong tỉnh và các địa phương lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh. Với
chức năng đó cùng với hơn 1000 giường bệnh, 32 khoa, nguồn năng lượng tiêu thụ
tại bệnh viện là rất lớn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng
song lãng phí vẫn tồn tại.
Trước tình hình điện năng tiêu hao lớn bệnh viện đã chủ động thành lập Phòng năng lượng nhằm theo dõi, quản lý mức tiêu thụ, kịp thời khắc phục hư hỏng của thiết bị
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, trước tình hình điện năng tiêu hao lớn bệnh viện đã chủ động thành lập Phòng năng lượng nhằm theo dõi, quản lý mức tiêu thụ, kịp thời khắc phục hư hỏng của thiết bị. Ngoài ra bệnh viện thường xuyên có những biện pháp tuyên truyền đến từng phòng, khoa. Tạo thói quen tắt thiết bị khi ra khỏi phòng, không sử dụng siêu điện, bình nóng lạnh. Các thiết bị như cầu dao, cầu trì, aptomat đã cũ được thay thế bằng hệ thống bảo vệ đóng ngắt mới như PLC hay các vi mạch hiện đại.
Tuy vậy theo các chuyên gia kiểm toán năng lượng thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hải Phòng thì tình trạng lãng phí tại Bệnh viện Việt Tiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Biểu đồ chi phí điện năng trong 2 năm 2008 và 2009 có sự chênh lệch lớn từ 1,7 tỷ đồng lên trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó là sự lãng phí nhiệt năng với việc tiêu hao hàng trăm tấn than/năm.
Thông qua kiểm toán năng lượng các chuyên gia đã tìm thêm được 9 giải pháp tiết kiệm chi phí thông qua giảm tiêu hao gần 1,3 triệu KWh và trên 104 tấn than đồng thời giúp giảm 990 tấn CO2 ra môi trường hàng năm. Với giá hiện hành tổng lợi ích kinh tế bệnh viện có thể tiết kiệm khoảng 1,8 tỷ đồng/năm. Theo tính toán sau 1,7 năm bệnh viện có thể thu hồi lại được mức vốn 3,2 tỷ đồng bỏ ra ban đầu.
Với phần lớn thiết bị tiêu thụ năng lượng có chế độ điều chỉnh bằng tay như tại tòa nhà bệnh viện Việt Tiệp thì yếu tố người sử dụng có vai trò quan trọng quyết định mức tiêu hao. Vì vậy, theo các chuyên gia kiểm toán năng lượng bệnh viện cần chú trọng đến giải pháp quản lý. Cụ thể bệnh viện cần khuyến khích ý thức vận hành tiết kiệm năng lượng trong đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y tá và nhân viên. Việc đưa ra hình thức khoán và thưởng hợp lý sẽ kích thích ý thức tiết kiệm năng lượng của công nhân.
Theo tính toán, việc quán lý và giám sát tốt quá trình tiêu thụ năng lượng có thể đem lại lượng tiết kiệm từ 3 đến 5 % tổng lượng điện tiêu thụ của bệnh viện. Cùng với quản lý nội vi tốt, tiềm năng tiết kiệm điện khi thay thế hệ thống thiết bị điện đã hư hỏng là trên 210 triệu đồng/năm.
Ở hệ thống hơi việc bảo ôn đường ống có tác dụng giảm tổn thất hơi rõ rệt. Với giải pháp này mỗi năm bệnh viện có thể tiết kiệm 9,5 tấn than tương đương 12 triệu đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 6 tháng. Bên cạnh đó, theo quan sát toàn bộ lượng hơi sau khi sử dụng được xả hoàn toàn vào bồn chứa nước giặt gây lãng phí nhiệt. Trước thực trạng đó các chuyên gia đề xuất giải pháp tái tuần hoàn lượng nước ngưng giúp tiết kiệm trên 95 nghìn tấn than/năm đồng thời tiết kiệm khoảng 1800m3 nước. Tổng mức tiết kiệm cho giải pháp này là trên 150 triệu đồng/năm kèm theo đó là giảm được trên 240 tấn CO2 ra môi trường.
Tại hệ thống chiếu sáng, hiện tại bệnh viện sử dụng hoàn toàn bóng đèn huỳnh quang T10 và bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng tại các khu nhà và các phòng ban. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng công cộng vào ban đêm của Bệnh viện bao gồm 20 cột đèn Halogen công suất 400W hiện nay đã hỏng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và an ninh. Giải pháp cải tạo hệ thống chiếu sáng bằng thiết bị tiết kiệm điện năng bệnh viện có thể giảm tiêu hao 126 nghìn Kwh/năm tương đương 140 triệu đồng. Tổng kinh phí đầu tư cho đề xuất này là 168 triệu, ước tính sao 1,2 năm bệnh viện có thể hoàn vốn.
Thông qua kiểm toán năng lượng các chuyên gia đã tìm thêm được 9 giải pháp tiết kiệm chi phí thông qua giảm tiêu hao gần 1,3 triệu KWh và trên 104 tấn than đồng thời giúp giảm 990 tấn CO2 ra môi trường hàng năm
Nếu thực hiện thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng bằng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời mỗi năm bệnh viện có thể tiết kiệm 32 triệu đồng từ chi phí chiếu sáng bảo vệ, đèn đường.
Đặc biệt, cơ hội tiết kiệm năng lượng khi sử dụng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời là khoảng 964 nghìn Kwh/năm trị giá trên 1 tỷ đồng. Đây là biện pháp mặc dù đòi hỏi mức đầu tư ban đầu lớn, khoảng 960 triệu đồng song về lâu dài lợi ích mang lại lớn, rất đáng để thực hiện bởi nhu cầu sử dụng nước nóng lại bệnh viện lên tới 4 m3/ngày. Sử dụng điện và than như hiện tại chi phí cao lại ảnh hưởng đến môi trường xung quanh do lượng phát thải CO2 ra môi trường cao.
Thông qua các giải pháp chúng ta nhận thấy đối với những tòa nhà đơn vị, doanh nghiệp tiềm năng tiết kiệm năng lượng vẫn tập trung chủ yếu ở hệ thống chiếu sáng, điều hòa không khí và đun nước nóng. Việc bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tham gia kiểm toán năng lượng, tìm kiếm cơ hội cắt giảm chi phí không chỉ cho thấy trách nhiệm của đơn vị mà còn là điển hình để những tòa nhà, đơn vị, doanh nghiệp tại Hải Phòng tích cực tham gia vào Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hùng Linh