Friday, 08/11/2024 | 07:54 GMT+7
Khung pháp lý và cơ chế chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả cao nhất các chương trình tiết kiệm năng lượng.
Khung pháp lý đóng vai trò quan trọng
Việt Nam có tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng. Kết quả khảo sát của Dự án DSM pha 1 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nhiều ngành công nghiệp trong nước như chế biến thực phẩm, dệt may, thép và điện than đều lớn hơn 20%. Trong đó, ngành công nghiệp xi măng và ngành nông nghiệp được cho là có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất, lên tới 50%.
Một số văn bản pháp lý đã ban hành Bộ Công Thương đã ban hành thông tư 02/2014/TT-BCT: Quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho các ngành công nghiệp. Ban hành thông tư 09/2012/TT-BCT: Lập kế hoạch, báo cáo kế hoạch sử dụng năng lượng TK&HQ. Ban hành quy định về dán nhãn năng lượng. Bộ Xây dựng ban hành quyết định 40/2005/QĐ-BXXD về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam – Các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả. Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư 64/2011/TT-BGTVT: Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động GTVT. |
Theo ông Trịnh Quốc Vụ, Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và TKNL, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương, để triển khai và thực hiện tốt các hoạt động tiết kiệm năng lượng, khung pháp lý đóng vai trò rất quan trọng.
Trong đó, Luật sử dung năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khung pháp lý cao nhất. Cùng với bộ luật này, nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định đã được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Luật và đưa ra những quy định mới liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các Bộ, ngành đã cùng phối hợp với nhau để ban hành các văn bản pháp lý liên quan để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các văn bản pháp lý này đã được nhiều Bộ, ngành cùng phối hợp với nhau để ban hành.
Cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng TK&HQ
Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2006- 2010) và Giai đoạn II (2012 -2015). Chương trình đã xây dựng các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cả nước.
Trong khuôn khổ Chương trình, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: đào tạo nâng cao năng lực cho DN về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ DN xây dựng hệ thống QLNL, thực hiện kiểm toán năng lượng, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các DN sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trong giai đoạn I của chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), từ 2006-2010, Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 3-5% tổng năng lượng tiêu thụ trên cả nước. Giai đoạn II, từ 2011-2015, Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức năng lượng tiêu thụ trên cả nước, tương đương từ 11-17 triệu tấn dầu quy đổi. Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL, Bộ Công Thương cho biết, cuối năm 2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ sẽ có báo đánh giá tổng kết mức năng lượng tiết kiệm được từ chương trình. |
Song song với các hỗ trợ về kỹ thuật, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ các DN. Bộ đã triển khai quỹ hỗ trợ đầy tư TKNL trị giá 6 triệu USD của Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) do Đan Mạch tài trợ. Quỹ này hỗ trợ đầu tư cho các DNVVN trong 3 lĩnh vực: gạch, gốm và chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đang xây dựng một quỹ cho vay ưu đãi trị giá 200 triệu đô la để các DN đầu tư và hoạt động TKNL. Hiện, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng cơ chế thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng TK&HQ trong công nghiệp. Cơ chế này sẽ triển khai thí điểm một số dự án thỏa thuận tự nguyện trong năm 2015.
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các chính sách thúc đẩy TKNL trong công nghiệp. Các chính sách bao gồm: xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm; xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở dữ liệu về năng lượng làm công cụ đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng; xây dựng thị trường ESCO để hỗ trợ đầu tư TKNL cho các DN trong ngành công nghiệp…
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác thực thi Luật sử dụng năng lượng TK&HQ, nâng cao năng lực cho các trung tâm TKNL; đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng; xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính hỗ trợ đầy tư và lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ.
Thanh Xuân