Saturday, 23/11/2024 | 01:14 GMT+7
Trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), ngày 13 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng. Cuộc họp lần này vinh dự được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì. Tham dự Cuộc họp có gần 50 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các Tổ chức phát triển trong và ngoài nước, các chuyên gia hoạt động về tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu chỉ đạo Cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao vai trò của các hoạt động về hiệu quả năng lượng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam nói riêng và của các nước ASEAN đang tăng cao. Thứ trưởng nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ Việt Nam coi trọng, đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản dưới Luật. Gần đây nhất, vấn đề này được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025, đưa vào Tổng sơ đồ điện 8. Bộ Công Thương trong những năm qua đã thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự hợp tác và hỗ trợ của các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.
Tại Cuộc họp, các đại biểu đã nghe kết quả hoạt động của VEPG, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2019 - 2020 và định hướng năm 2021, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy hoạt động TKNL, định hướng các hoạt động của Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng trong thời gian tới.
Trên cơ sở các bài trình bày, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động TKNL, đây là đối tượng chủ chốt thực hiện và có khả năng triển khai thành công các giải pháp TKNL. Theo đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cần có cơ chế tài chính cụ thể để các doanh nghiệp tư nhân có thể vận dụng, chủ động thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.
Một chủ nữa là đẩy mạnh hoạt động của mô hình ESCO tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, xây dựng các mô hình điển hình ESCO thì cần thiết phải có cơ chế tài chính cho doanh nghiệp ESCO và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các công ty ESCO. Các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp để gắn kết các hoạt động về TKNL với việc giảm phát thải nhà kính, trong đó xem xét đến việc thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Kết thúc Cuộc họp, Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Chủ trì Nhóm Công tác, đã đánh giá cao các giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia, các tổ chức và các Bộ, ngành để đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Trong thời gian tới, các hoạt động của Chương trình quốc gia sẽ được triển khai rộng khắp đến các địa phương trong cả nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các hỗ trợ và hợp tác của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế sẽ được tận dụng tối đa để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế để các đối tượng dễ vận dụng, xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp.
Ban Thư ký Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, điều phối để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về TKNL. Các vấn đề thảo luận của các Nhóm công tác kỹ thuật sẽ được trình lên các cấp cao hơn của VEPG và đưa vào chương trình công tác cũng như định hướng các hoạt động của giai đoạn mới của VEPG.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững