Friday, 08/11/2024 | 05:32 GMT+7
Chiều 28/4, Sở Công thương Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân TP Đà Nẵng, Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận tại Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 18/02/2020.
Tiêu thụ năng lượng ở Đà Nẵng đang tăng nhanh cùng với sự phát triển du lịch
Phát biểu tại Hội thảo khởi động Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho người dân TP Đà Nẵng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Phó Chủ tịch Thường trực UBD TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nêu rõ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và đã cụ thể hoá thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2010.
Qua 10 năm thi hành luật này trên địa bàn Đà Nẵng đã giúp đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh nguồn lực của TP thì nguồn hỗ trợ của tổ chức trong nước và quốc tế cũng rất quan trọng, trong đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là đối tác quan trọng, đáng tin cậy. JICA đã tài trợ Dự án TKNL bằng phương pháp đo lường đơn giản cho Đà Nẵng, triển khai từ năm 2015 đến năm 2017.
“Lần này, lễ khởi động Dự án Thúc đẩy TKNL cho người dân TP Đà Nẵng là kết quả tiếp nối của việc ký kết Biên bản ghi nhớ sau khi kết thúc dự án Dự án TKNL bằng phương pháp đo lường đơn giản, qua đó khẳng định quyết tâm của đối tác phía Nhật Bản và sự sẵn lòng hợp tác của chính quyền TP Đà Nẵng!” – Ông Hồ Kỳ Minh nêu rõ.
Theo đó, dự án Thúc đẩy TKNL cho người dân TP Đà Nẵng do JICA (Nhật Bản) tài trợ với ngân sách hơn 107.000.000 Yên (tương đương gần 24 tỉ đồng), thời gian thực hiện năm 2020 – 2024. Dự án có sự tham gia của Đại học Quốc gia Yokohama, Công ty OSUMI (Nhật Bản); Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Đà Nẵng). Địa điểm thực hiện dự án tại quận Sơn Trà.
Theo GS.TS CHO Seigen (Đại học Quốc gia Yokohama, Trưởng BQL dự án), cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thì mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2 ở Việt Nam ngày càng tăng. Tại Đà Nẵng, mức tiêu thụ năng lượng cũng đang tăng nhanh cùng với sự phát triển du lịch, xây dựng các khách sạn, nhà hàng. Tiêu thụ năng lượng của các gia đình cũng tăng đáng kể do việc sử dụng các thiết bị điều hòa không khí, thiết bị điện ngày càng phổ biến.
Kế hoạch triển khai và mục tiêu của dự án
GS.TS CHO Seigen nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách của Dự án Thúc đẩy TKNL cho người dân TP Đà Nẵng là xây dựng hệ thống hợp tác giữa công dân, các công ty tư nhân với cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà bằng cách thiết lập các công nghệ TKNL trong hộ gia đình, khách sạn và cao ốc văn phòng.
Đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các khu dân cư và các loại tòa nhà khác. Giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà bằng cách nâng cao việc TKNL cho các tòa nhà hiện có và thiết kế thụ động cho các tòa nhà mới trong khu vực thí điểm.
Trình bày kế hoạch thực hiện dự án, Giám đốc Công ty TNHH OSUMI Việt Nam YONEDA Yoshiharu cho hay, đối với việc TKNL trong nhà dân, dự án sẽ phát câu hỏi khảo sát đến 350 hộ dân; lựa chọn khảo sát môi trường sống, mức tiêu thụ năng lượng tại 70 hộ. Trên cơ sở đó tiến hành biện pháp TKNL tại 14 hộ dân; kiểm tra hiệu quả và nhân rộng biện pháp đã thực hiện.
Đối với việc cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà thương mại, dự án sẽ tập huấn cho 5 thành viên về mô hình mô phỏng; phát câu hỏi khảo sát 50 tòa nhà trong khu vực mục tiêu; phân tích và giám sát tiêu thụ năng lượng của 10 tòa nhà để đề xuất biện pháp TKNL. Qua đó xây dựng mô hình mô phỏng TKNL và tập huấn chuyển giao công nghệ kỹ thuật mô phỏng.
Để đem lại nhận thức sâu hơn về công nghệ TKNL và lối sống bền vững cho người dân Đà Nẵng thông qua các hoạt động giáo dục liên quan đến nỗ lực TKNL, dự án cũng sẽ chọn 2 trường học (1 Tiểu học và 1 THCS) để thí điểm nghiên cứu giảng dạy về môi trường và TKNL, qua đó nhân rộng ra các trường khác.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao Đà Nẵng vì cực kỳ quan tâm vấn đề môi trường
Phát biểu tại lễ khởi động dự án chiều 28/4, ông YAKABE Yoshinori, Trưởng Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng nêu rõ: “Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao TP Đà Nẵng, bởi vì so với các tỉnh, TP khác của Việt Nam thì Đà Nẵng cực kỳ quan tâm vấn đề môi trường. Và trong lĩnh vực TKNL, Đà Nẵng tăng cường nỗ lực bằng cách xây dựng kế hoạch TKNL giai đoạn 2021 – 2030. Dự án Thúc đẩy TKNL cho người dân Đà Nẵng do JICA tài trợ được kỳ vọng sẽ góp phần to lớn vào nỗ lực thực hiện chương trình TKNL của TP!”.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, hiện trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Sở đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) về thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn, như xây dựng bản đồ tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời áp mái, đánh giá khả năng mang tải của lưới điện phân phối khi tích hợp điện mặt trời áp mái và các mô hình kinh doanh thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng nhận được hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030. Nhìn chung các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của WB và ADB mang tính chất đánh giá tổng thể, xây dựng khung chính sách, mục tiêu cho toàn TP với cách tiếp cận từ các chính sách, quy định của quốc gia và tham vọng, mục tiêu của TP trong việc tiết kiệm năng lượng.
“Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy TKNL cho người dân TP Đà Nẵng do JICA tài trợ đưa ra cách tiếp cận từ dưới lên, trong đó đánh giá chi tiết mức tiêu hao năng lượng từ các đối tượng cụ thể như: Người dân và hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Từ đó đề xuất các giải pháp TKNL phù hợp, đồng thời nâng cao nhận thức tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp bằng các hoạt động tuyên truyền giáo dục!” – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương nói.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam