Friday, 27/12/2024 | 05:44 GMT+7

Dự án chuyển đổi năng lượng được ưu tiên hỗ trợ 15,5 tỷ USD

30/10/2023

Bốn nhóm dự án phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ được ưu tiên tiếp cận nguồn hỗ trợ 15,5 tỷ USD của các đối tác JETP.

Ông Kroos Neefjes, chuyên gia UNDP, đưa ra thông tin trên tại Hội thảo hoàn thiện kế hoạch huy động nguồn lực triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, sáng 27/10.
Kế hoạch dự kiến được hoàn thiện trình Chính phủ và công bố ở Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc - COP 28 diễn ra trung tuần tháng 12 tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ông Kroos Neefjes nói tại hội thảo sáng 27/10. Ảnh: Gia Chính
Theo đó, bốn nhóm được ưu tiên nhận khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD gồm: Nhóm dự án thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đóng góp thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhóm thứ hai là các dự án có lợi ích kinh tế - xã hội rõ ràng cho cộng đồng, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi. Tiếp theo là nhóm dự án có tính xúc tác đầu tư và nhóm các dự án có tác động tích cực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo ông Kroos Neefjes, việc lựa chọn dự án đầu tư cụ thể sẽ được thực hiện thông qua đàm phán giữa cơ quan chủ quản, chủ dự án với đối tác liên quan. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật được lựa chọn dựa theo ưu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành Việt Nam.
Nhóm đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 
Ông Phạm Văn Tấn, Cục phó Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết các dự án đầu tư chuyển đổi năng lượng sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ trong hai năm tới. Ưu tiên hàng đầu là dự án thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Tiếp theo là các dự án phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, các dự án truyền tải, lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải cũng sẽ được ưu tiên nhận nguồn hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, nguồn tài chính do các đối tác cam kết huy động chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, dự kiến khoảng 90 tỷ USD.
"Đây sẽ là bước đầu tiên để thực hiện tuyên bố JETP cũng như thể hiện mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng", ông Thành nói, cho biết ngay sau khi hội nghị kết thúc, Ban thư ký sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp để chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tháng 12/2022 , Việt Nam và nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch thông qua JETP. Trong 3-5 năm tới, các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD giải quyết nhu cầu cấp bách trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Trong đó, 7,75 tỷ USD sẽ được cho vay với điều kiện hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. 7,75 tỷ USD còn lại sẽ được Liên minh tài chính Vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 huy động tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp. Để thực hiện JETP cũng như huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, Việt Nam đã thành lập nhóm công tác để lấy ý kiến của các đối tác JETP và tổ chức quốc tế.
Theo: Vnexpress