Thursday, 07/11/2024 | 21:47 GMT+7

Tọa đàm kỹ thuật tham vấn về các phát hiện và sản phẩm của VAS

26/06/2024

Sáng 26/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức “Tọa đàm kỹ thuật tham vấn các tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình thỏa thuận tự nguyện tiết kiệm năng lượng và các kết quả triển khai thí điểm.”

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương; bà Trần Hồng Việt - Quản lý Chương trình cấp cao, Đại sứ quán Đan Mạch; ông Jorgen Hvid - Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP3; cùng nhiều đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà tư vấn, các cán bộ quản lý dự án và các nhà máy/ đơn vị sản xuất và kinh doanh thương mại.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết: Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam triển khai thực hiện. Chương trình bao gồm 03 hợp phần, trong đó Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì quản lý thực hiện Hợp phần 3, tập trung vào lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), nhằm thúc đẩy quá trình phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp tại Việt Nam. 
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Tọa đàm
Ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định: “Một trong các hoạt động trọng tâm của Hợp phần 3 là đề xuất thiết kế Chương trình thỏa thuận tự nguyện (viết tắt là VAS) nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong lĩnh vực công nghiệp và triển khai thí điểm chương trình này trong giai đoạn 2023-2025. Theo thiết kế, VAS sẽ cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trọng điểm trong các ngành/phân ngành công nghiệp để xây dựng các dự án đầu tư TKNL như thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư để tiếp cận vốn vay ngân hàng và các nguồn tài chính khí hậu khác. 
Trong thời gian qua, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế của Chương trình DEPP3 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn để hỗ trợ quá trình triển khai các hoạt động của VAS. Từ tháng 6 năm 2023, VAS cũng đã được triển khai thí điểm tại 04 doanh nghiệp tại Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến gỗ, thép và vật liệu xây dựng và bước đầu đã ghi nhận một số kết quả tích cực.”
Ông Jorgen Hvid - Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP3 trình bày các khái niệm chung trong Cơ chế tự nguyện và lý do cần thúc đẩy Cơ chế tự nguyện. 
Tại Tọa đàm, các chuyên gia của Chương trình DEPP3 đã trình bày dự thảo các tài liệu hướng dẫn triển khai Chương trình thỏa thuận tự nguyện tiết kiệm năng lượng bao gồm hướng dẫn thực hiện kiểm toán năng lượng và hướng dẫn thực hiện nghiên cứu tiền khả thi. Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp tham gia thí điểm VAS cũng đã có những chia sẻ về các kết quả ban đầu triển khai các dự án thí điểm VAS. 
Ông Hoàng Anh - Công ty RCEE-NIRAS trình bày các kết quả ban đầu triển khai thí điểm chương trình VAS tại 04 doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi các ý kiến nhằm hoàn thiện bộ tài liệu phục vụ cho công tác triển khai các hoạt động của VAS trong thời gian tới. Những ý kiến đóng góp tích cực, cũng như những thông tin hữu ích được chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế của Chương trình thỏa thuận tự nguyện và thực hiện thí điểm chương trình này với phạm vi rộng hơn trong giai đoạn còn lại của dự án. Kết quả của Chương trình sẽ là cơ sở giúp Bộ Công Thương hoàn thiện và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích thúc đẩy hoạt động TKNL trong công nghiệp, đóng góp vào các mục tiêu chung của Chương trình VNEEP3 và các nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ của Chính phủ.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Chuyên gia kỹ thuật đến từ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Ông Lê Khắc Giang - Phó ban Quản lý năng lượng, Phó Trưởng phòng sản xuất, Công ty TNHH NatSteelVina tham gia tại Toạ đàm
​Mục tiêu tổng thể của VAS là thúc đẩy đầu tư vào hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ trong việc phát triển các dự án đầu tư vào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời tiếp cận nguồn tài trợ thương mại để thực hiện dự án; được hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Kiểm toán năng lượng, Nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Khi doanh nghiệp ký kết Cơ chế tự nguyện và tuân thủ các yêu cầu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, điển hình như sàng lọc ban đầu các phương án sử dụng năng lượng hiệu quả dựa trên báo cáo kiểm toán năng lượng hiện có và nếu cần sẽ bổ sung đánh giá về tiềm năng và biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trực tiếp tại cơ sở. Hỗ trợ kiểm toán năng lượng lần đầu, thiết lập ‘EMS giản lược’ và lập kế hoạch báo cáo để phục vụ cho VAS. Hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận nguồn tài chính thương mại cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc phát triển các dự án đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có khả năng vay vốn. Ngoài ra, xây dựng năng lực để tiếp cận hướng dẫn công nghệ cho các ngành tham gia, tiếp cận nguồn tài chính khí hậu cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuân thủ yêu cầu báo cáo theo Luật bảo vệ Môi trường đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. 
Tố Quyên