Tiếp nối chuỗi chương trình đào tạo "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho lãnh đạo doanh nghiệp", sáng ngày 22 tháng 4 năm 2025, chương trình đào tạo cho lãnh đạo doanh nghiệp ngành Thủy sản đã được tổ chức tại TP.HCM.
Ông Lê Thành Nhiệng, Giám đốc VP miền Nam, Công ty CP Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa (Đơn vị tư vấn thực hiện chương trình đào tạo), giới thiệu về chương trình đào tạo.
Nội dung đào tạo chính của khóa đào tạo bao gồm: (i) Tăng cường năng lực về nhận diện và phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng; (ii) Kiểm toán năng lượng và phân tích tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; (iii) Giới thiệu và Ứng dụng hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định; (iv) Chiến lược marketing và kinh doanh cho Doanh nghiệp. |
Chương trình đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho lãnh đạo doanh nghiệp ngành Thùy sản” là hoạt động thuộc Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật của Dự án VSUEE. Hợp phần 2 của Dự án sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bên tham gia Dự án, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giảng viên tham gia đào tạo là giảng viên các Trường đại học kỹ thuật, các chuyên gia tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương, các chuyên gia tiết kiệm năng lượng thuộc dự án trong và ngoài nước. Khóa đào tạo ngày 22 tháng 4 năm 2025 gồm học viên là lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Thủy sản. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo, sẽ còn lại 06 chương trình được tổ chức theo nội dung giáo trình được nghiên cứu riêng biệt và mang tính ứng dụng đối với từng nhóm ngành, bao gồm: Dệt may; Giấy và bột giấy; Gạch và gốm sứ; Sắt thép; Xi măng; và Nhựa.
Học viên là các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc ngành Thủy sản.
Thông qua chương trình đào tạo, Dự án mong muốn nâng cao nhận thức cho tầng lớp lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp hiểu rằng tiết kiệm năng lượng không chỉ là một yêu cầu tuân thủ pháp luật mà còn là cơ hội đầu tư sinh lời và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi được trang bị kiến thức chuyên môn về kỹ thuật và tài chính liên quan đến các dự án tiết kiệm năng lượng, lãnh đạo có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn, từ đó lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp và khả thi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiểu biết về các cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng và ưu đãi tài chính cũng giúp lãnh đạo chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh, đồng thời tăng khả năng thuyết phục các tổ chức tín dụng hoặc nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của lãnh đạo tạo ra động lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp, biến hoạt động tiết kiệm năng lượng thành một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Việc lãnh đạo có năng lực cũng giúp phối hợp hiệu quả hơn với các bộ phận nội bộ cũng như với các đối tác bên ngoài như tư vấn kỹ thuật, ngân hàng, hay nhà cung cấp giải pháp. Từ đó, doanh nghiệp có thể triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng một cách toàn diện, bài bản và đạt hiệu quả cao hơn.
Một số hình ảnh của lớp đào tạo:
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, chia sẻ tầm quan trọng của thực hiện tiết kiệm năng lượng trong ngành Thủy sản.
Ông Diệp Thế Cường, Chuyên gia năng lượng, Giới thiệu dự án và các chính sách về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề giới trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuân, Chuyên gia năng lượng trình bày về Quan hệ năng lượng, môi trường và sản xuất kinh doanh, sử dụng năng lượng sạch.
Ông Bùi Xuân Cảnh, Chuyên gia thẩm định kỹ thuật, Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro, Ngân hàng SHB, giới thiệu về quỹ Chia sẻ rủi ro và cơ chế bảo lãnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Trinh, Chuyên gia năng lượng, chia sẻ về thực trạng sử dụng năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam và trong ngành Thủy Sản.
Ban Quản lý Dự án VSUEE.