Sunday, 17/11/2024 | 04:39 GMT+7
Hiện tại, một nhóm nghiên cứu thuộc đại học Rhode Island(URI) đang khảo sát để ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời từ lòng đường làm tan băng, thắp đèn, soi sáng bảng hiệu, sưởi ấm và phục vụ nhiều mục đích khác.
Giáo sư K.Wayne Lee, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Chúng ta có một tuyến đường nhựa dài, vào mùa hè, tuyến đường này hấp thụ một lượng năng lượng lớn đốt nóng mặt đường tới 140oF (60oC), thậm chí còn cao hơn. Sử dụng nguồn năng lượng này sẽ tiết kiệm được nhiên liệu hóa thạch, cũng như làm giảm sự nóng lên toàn cầu.”
Nhóm nghiên cứu đã xác định được 4 cách tiếp cận tiềm năng từ đơn giản tới phức tạp, đồng thời họ cũng đang theo đuổi các dự án để biến chúng thành hiện thực.
Ý tưởng đơn giản nhất là dùng những tế bào quang điện dẻo bọc xung quanh dải phân cách để cung cấp điện.
Một cách khác là lắp đặt các ống dẫn dước xuống dưới lớp nhựa đường để tận dụng năng lượng mặt trời đun nóng nguồn nước. Nước nóng sau đó sẽ được dẫn tới các sàn cầu để làm tan băng hay tới những tòa nhà gần đó để sử dụng, thậm chí có thể được chuyển đổi thành hơi nước giúp quay tua-bin trong nhà máy điện.
Cách thứ 3 áp dụng hiệu ứng nhiệt điện. Theo đó, vật liệu nhiệt điện được đặt vào lòng đường ở các độ sâu khác nhau, giữa những tấm vật liệu có nhiệt độ khác biệt sẽ sản sinh ra dòng điện. Với nhiều hệ thống như vậy đặt song song, dòng điện tạo ra sẽ đủ lớn cho nhiều mục đích.
Có lẽ, ý tưởng xa vời nhất của nhóm là thay thế hoàn toàn tuyến đường nhựa bằng tuyến đường làm bằng vật liệu điện tử có chứa các tế bào quang điện, đi ốt phát sáng và các tế bào cảm biến. Vật liệu này có khả năng tạo ra dòng điện, chiếu sáng các làn đường cũng như cung cấp những cảnh báo sớm cho việc bảo trì.
Theo giáo sư Lee, công nghệ này có thể đi vào thực tiễn, tuy
nhiên, việc thực hiện là vô cùng tốn kém.
Hoàng Lan (theo: ScienceDaily)