Friday, 25/07/2025 | 10:55 GMT+7

Công nghệ sản xuất gạch ngói tiết kiệm năng lượng

24/07/2025

Công ty CP Gốm Đất Việt áp dụng thành công hệ thống nghiền phối liệu siêu mịn, giúp giảm lượng than tiêu hao xuống khoảng 40%, tương đương làm lợi cho nhà máy khoảng từ 10-15 tỷ đồng.

Hiện cả nước có khoảng hơn 800 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch ngói . Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm ngành này tiêu thụ khoảng 24-26 triệu m3 khối đất sét, tương đương 3.000-4.000 ha đất nông nghiệp. Ước tính, trung bình sản xuất 1 triệu viên gạch nung sẽ cần hàng trăm m3 nước, hàng chục tấn than và phát thải khoảng 500-600 tấn CO2.
Ngành sản xuất gạch ngói Việt Nam đang đứng trước áp lực kép, vừa phải duy trì sản xuất để đáp ứng nhu cầu xây dựng, vừa phải giảm mạnh phát thải để bảo vệ môi trường. Do đó, việc chuyển đổi sang công nghệ sạch, tận dụng phế liệu, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu cấp thiết và cũng là cơ hội để ngành phát triển bền vững hơn.
Sản phẩm Gốm Đất Việt được xuất khẩu sang 51 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên các Châu lục
Công ty CP Gốm Đất Việt được thành lập ngày 25/01/2010 với công nghệ nghiền khô, đùn dẻo, sấy nung nhanh do hãng Sacmi (Italia) sáng chế, gồm 02 dây chuyền công suất thiết kế 4 triệu m2 gạch cotto/năm theo quy chuẩn, kích thước 300x300x12mm, là một nhà máy công nghệ hiện đại, song còn nhiều công đoạn thủ công.
Với mục đích phát triền bền vững và hội nhập, phát huy nội lực nâng tầm tự động hoá, năm 2013, Công ty thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triểnvà thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.
Nổi bật là nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài "Hệ thống nghiền phối liệu siêu mịn sản xuất gạch ốp lát". Đây là công nghệ đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, với hiệu quả tận thu nguyên vật liệu đất sét gần như tuyệt đối. 
Hệ thống nghiền khô siêu mịn và phối nguyên liệu sản xuất gạch cotto 
Theo AHLĐ Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Gốm Đất Việt - thành viên nhóm tác giả, thì công nghệ dựa trên hai hiệu ứng: hiệu ứng lượng tử và hiệu ứng bề mặt. Công nghệ nghiền khô siêu mịn tạo trên 96% phối liệu có kích thước dưới 30 micro-nano mét. Quá trình nghiền phối liệu siêu mịn sử dụng hệ thống máy nghiền, các rulo trà trên mặt sơ mi làm cho nguyên liệu bị nghiền mịn, sử dụng một luồng khí để hút các hạt phối liệu trong buồng nghiền đi vào các thùng chứa. Người công nhân có thể điều tiết tốc độ, áp suất luồng khí để có thể phân loại được các cỡ hạt phối liệu mà không cần sàng.
Ưu điểm của công nghệ này là khả năng tận thu triệt để các nguồn tài nguyên đất sét có chất lượng kém. Các loại đất sét này gồm: đá cứng, đất mối cát cao vốn không sử dụng làm nguyên liệu sản xuất với công nghệ cũ. Cấp hạt phối liệu ở dạng siêu mịn, khi nung dễ dàng xảy ra phản ứng thiêu chảy, kết khối, nhờ đó đã giảm được nhiệt độ lò nung từ 60 đến 100 độ C nên tiết kiệm được năng lượng nung đốt thành phẩm, bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường và giảm khí thải.
AHLĐ Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Gốm Đất Việt
Ông Nguyễn Hữu Quyền, Phó Giám đốc Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty CP Gốm Đất Việt cho biết: "Chi phí than chiếm khoảng 60-65% cho phí giá thành. Sau khi đưa công nghệ nghiền khô siêu mịn vào đã giúp giảm lượng than tiêu hao xuống khoảng 40%, tương đương làm lợi cho nhà máy khoảng từ 10-15 tỷ đồng".
Ngoài ra để tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất lượng khí thải nóng của lò nung được công ty thu hồi quay trở lại để tận dụng cho quá trình sấy khô sản phẩm trước khi nung.
Đột phá về công nghệ giúp tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành gạch ngói và tiên phong trong xu thế sản xuất xanh và phát triển bền vững của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam. 
Hữu Phát
QRcode ENG