Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý năng lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) nghiên cứu và công bố. Đây là một tiêu chuẩn mô hình về hệ thống quản lý năng lượng giúp tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng lập kế hoạch và quản lý sử dụng năng lượng một cách có hệ thống.
ISO 50001 được thiết kế dựa trên chu trình PDCA, bao gồm hoạch định, thực hiện, kiểm tra và cải tiến và có thể áp dụng cho bất kỳ cơ sở sử dụng năng lượng nào. Tiêu chuẩn này có thể kết được áp dụng một cách riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác. ISO 50001 không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể mà đặt ra yêu cầu để các doanh nghiệp tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên.
Các lợi ích khi doanh nghiệp quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 sẽ giúp doanh nghiệp tạo được khuôn khổ để hỗ trợ cho việc quy định, thực hiện, vận hành và duy trì hệ thống quản lý năng lượng toàn diện; hỗ trợ lãnh đạo của doanh nghiệp trong việc quản lý và vận hành một cách nhất quán, có trách nhiệm đối với hoạt động quản lý về năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính do giảm năng lượng sử dụng và tối ưu hóa nguồn năng lượng cũng như tận dụng nguồn năng lượng tái tạo; tạo lòng tin cho khách hàng, các đối tác kinh doanh về hệ thống quản lý năng lượng được tuân thủ, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế…
Thưc tế cho thấy, sau khi áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001, doanh nghiệp sẽ bắt đầu thu thành quả từ lợi ích tiết kiệm năng lượng, ý thức của người lao động được nâng cao, văn hóa tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên của doanh nghiệp được hình thành…
Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng đã được xây dựng và ban hành bao gồm: Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 (ban hành năm 2012), TCVN ISO 50001:2018 (ban hành năm 2019). |
Quản lý năng lượng hiệu quả chuẩn quốc tế
Hiện nay, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 đang trở thành xu thế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.
Điển hình là Công ty TNHH đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt (VIPACO) - một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ngành nhựa. Lãnh đạo công ty đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và đã hoàn tất các yêu cầu để đạt được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Đầu tư cho những thiết bị có hiệu suất cao là một trong những giải pháp lớn đã được công ty áp dụng hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
VIPACO đầu tư công nghệ hiện dại trong sản xuất. (Ảnh: VIPACO)
Do đặc thù của ngành bao bì, các thiết bị sản xuất chính của VIPACO luôn phải được gia nhiệt khi vận hành. Ngoài việc thu hồi nhiệt dư cung cấp cho công đoạn sau thì việc bố trí không gian làm việc của các phân xưởng cũng được tính toán khoa học để giảm thiểu hao phí năng lượng. Thiết bị sinh nhiệt được đặt sát phía ngoài, khí nóng sau khi tận dụng hết sẽ được quạt hút ra. Ở phía trung tâm phân xưởng, có hệ thống quạt đẩy không khí tươi bổ sung làm mát. Chính nhờ bố trí sản xuất hợp lý cùng với hệ thống lấy sáng và thông gió tự nhiên nên không khí trong phân xưởng của VIPACO luôn có sự đối lưu tốt, đảm bảo môi trường làm việc của công nhân, không làm tăng thêm chi phí nhiên liệu.
Anh Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nhà máy, VIPACO cho biết: “Năm 2019 là năm đầu tiên chúng tôi đưa hệ thống ISO 50001:2011 vào áp dụng, tuy còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng chúng tôi đã tiết kiệm được 6,3% năng lượng cho cả năm”.
Sabeco là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng ISO 50001 vào quá trình sản xuất. (Ảnh: Báo Dân trí)
Hay Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Hà Nội (Sabeco Hanoi) cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 vào quá trình sản xuất. Đại diện Công ty cho biết kết quả lớn nhất khi áp dụng hệ thống quản lý năng lượng của Công ty là đã nâng cao nhận thức của toàn cán bộ công nhân về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Hiện nay văn hoá sử dụng năng lượng trong Công ty rất tốt. Tất cả các phòng ban, phân xưởng đều ý thức được thế nào là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đơn vị mình, sau đó là các đợt kiểm tra giám sát chéo nhằm phát hiện ra những điểm rò rỉ, thất thoát, lãng phí để cùng nhau khắc phục và cải tiến.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định, việc áp dụng ISO 50001 cũng góp phần giúp môi trường trao đổi thông tin thuận tiện và minh bạch trong việc quản lý nguồn năng lượng; thúc đẩy các thực hành tốt trong quản lý năng lượng và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt; đồng thời đơn giản hóa các cải tiến trong hệ thống quản lý năng lượng phục vụ cho các dự án giảm thiểu khí thải nhà kính.
Thúc đẩy quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001
Tại Việt Nam, việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2011. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Dự án IEEP”. Dự án thực hiện trong thời gian 5 năm từ năm 2023 - 2027.
Dự án IEEP hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa trong các ngành công nghiệp như: Giấy và bột giấy, Chế biến thực phẩm, Chế biến thủy sản, Dệt may, Sản xuất hóa chất và phân bón, Chế biến cao su, Luyện kim và thép, Xi măng, Nhựa và Đồ uống. Bao gồm đào tạo miễn phí về quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống hơi, khí nén, làm mát, làm lạnh, bơm, nhiệt công nghệ và động cơ; Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hóa hệ thống sử dụng năng lượng và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chuyển dịch năng lượng bền vững là xu hướng tất yếu tại Việt Nam nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh song song với thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu kép là tăng trưởng xanh và hiện thực hóa các cam kết với quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 -2025 và các năm tiếp theo, trong đó khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, nhấn mạnh tăng cường thúc đẩy các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng tiên tiến, cải tiến công nghệ trong các ngành tiêu thụ năng lượng. |
Mai Anh