Sunday, 17/11/2024 | 02:05 GMT+7
Chúng ta biết rằng các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra điện năng từ quá trình quang hợp của thực vật. Trong một nghiên cứu mới đây tại trường Đại học Tel Aviv, nhóm nghiên cứu đã chứng minh được một loại động vật – loài ong bắp cày Orential, cũng có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời và biến đổi thành điện năng nhờ phần sọc nâu, vàng trên cơ thể chúng.
Giáo sư David Bergman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Điều thú vị ở đây là một loài động vật cũng có thể hấp thụ và chuyển hóa năng lượng mặt trời. Loài ong bắp cày đã khám phá ra điều mà con người vẫn chưa biết tới”.
Nhóm nghiên cứu tìm ra điều này vài năm trước, và gần đây đã cố gắng để ứng dụng phát hiện này. Kết quả cho thấy lớp vỏ ngoài hay còn gọi là bộ xương ngoài của loài ong bắp cày có thể hấp thụ được năng lượng mặt trời.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học ở Đại học Tel Aviv cũng tìm ra rằng những sọc nâu, vàng trên bụng ong bắp cày có thể tạo ra hiệu ứng quang điện: những sọc vàng, nâu này có thể hấp thụ tia bức xạ mặt trời và chất sắc tố màu vàng biến đổi bức xạ ấy thành điện năng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số quá trình biến đổi năng lượng đặc trưng của loài côn trùng. Như những chiếc tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ, cơ thể loài ong bắp cày có cơ chế điều chỉnh nhiệt rất phát triển, nhờ đó chúng giữ được nhiệt độ thấp hơn bên ngoài trong khi vẫn hấp thụ năng lượng mặt trời. Theo giáo sư Bergman, thật không dễ để làm được như vậy.
Để biết liệu có thể bắt chước khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời của loài ong bắp cày hay không, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mẫu mô phỏng có cấu trúc giống với cơ thể loài ong này. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi, họ không thể đạt được hiệu suất hấp thụ năng lượng cao tương đương. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự định sẽ cải tiến mẫu với hi vọng “bản sao sống” này có thể đem đến một bước đột phá mới cho giải pháp năng lượng tái sinh.
Kim Anh (theo renewableenergyworld.com)