Monday, 23/12/2024 | 21:23 GMT+7
Bằng phương pháp “cân” chỉnh lại sao cho dòng điện giữa các pha không quá chênh lệch, các cơ quan đơn vị có thể tiết kiệm tối đa lượng điện bị tiêu hao vô ích. Sáng kiến này cũng góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và tuổi thọ của máy móc, thiết bị.
Sáng kiến phân chia lại phụ tải trên hệ thống điện 3 pha của Phạm Thành Biên từng được kiểm chứng để trao giải thưởng cấp Tập đoàn tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Không chỉ được đăng tải và phổ biến rộng rãi trên các nội san nội bộ của Viettel làm cơ sở cho các đơn vị áp dụng, sáng kiến còn được trao giải thưởng tại cuộc thi “Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các ý tưởng và giải pháp tiết kiệm năng lượng năm 2010” do T.Ư Đoàn phát động tổ chức.
Hệ thống thiết bị, máy móc tại Trung tâm đào tạo Viettel, đặt tại KCN An Khánh
(H.Hoài Đức, Hà Nội) nơi Biên đang làm việc có tổng công suất khoảng 160 KVA.
Vào mùa hè, tình hình điện năng trong đơn vị cực kỳ căng thẳng. Toàn bộ máy
móc, thiết bị tiêu thụ điện gần như làm việc đồng thời cùng nhau. Hệ thống
aptomat cảnh báo thường xuyên ngắt diện do quá tải dẫn đến sụt áp đột ngột. Điện
năng phập phù, ngoài tổn thất về các thiết bị có dấu hiệu hỏng hóc, suy giảm tuổi
thọ thì những thiệt hại ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, hiệu suất công việc
chuyên môn khiến người quản lý rất đau đầu trong tìm kiếm phương án xử lý.
Khảo sát toàn bộ phụ tải trên hệ thống điện tại đơn vị, Phạm Thành Biên phát hiện,
dòng điện giữa các pha chênh lệch nhau quá nhiều. Trong khi đó, khoảng cách đường
dây đến phụ tải khá dài, có chỗ tới hơn 400 mét khiến lượng điện năng tiêu hao
vô ích là rất lớn. Theo lý thuyết, dòng điện giữa các pha phải cân bằng nhau sẽ
đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, Biên nảy ra sáng kiến cân chỉnh pha, chia
lại phụ tải sao cho dòng điện giữa các pha cân đối nhau. Để thực hiện sáng kiến
này, Biên cho bật toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện rồi dùng thiết bị đo đạc tỉ
mỉ, lấy các thông số cần thiết làm cơ sở để tiến hành cân chỉnh. Sau khi hoàn
thành việc cân chỉnh, các thiết bị điện trong đơn vị vận hành trơn tru, đường
dây trung tính không còn quá nóng như trước. Nhiều thiết bị không còn phải lệ
thuộc vào ổn áp hỗ trợ. Sau hơn 1 năm áp dụng sáng kiến này, hệ thống điện
trong các đơn vị sử dụng chung biến áp với Trung tâm đào tạo Viettel chưa hề xảy
ra sự cố nhảy aptomat, lượng điện hao phí trên đường dây, các phụ tải được tiết
giảm đáng kể nên tiết kiệm hàng triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Không chỉ triển khai tại các đơn vị của Viettel, sáng kiến cân chỉnh pha, chia
lại phụ tải đã được một số doanh nghiệp bên ngoài ứng dụng và đã nhận được sự ủng
hộ, phản hồi tích cực từ phía đơn vị ứng dụng. Đơn cử như Công ty cơ điện Tam
Giang (TP Hải Dương), với tổng công suất máy móc thiết bị toàn đơn vị là
xấp xỉ 70 KVA, từ khi áp dụng sáng kiến này, mỗi tháng công ty tiết kiệm từ 3 -
5 triệu tiền điện. “Đặc biệt hơn, sáng kiến này giữ cho dòng điện ổn định, máy
móc vận hành ổn định không hay xảy ra các sự cố về điện nên công ty tiết kiệm
được các chi phí liên quan đến bảo dưỡng, sửa chữa”, Trưởng phòng Cơ điện Nguyễn
Văn Thanh, đánh giá.
Phạm Thành Biên cho biết, sáng kiến này có thể áp dụng trong các cơ quan, đơn vị
hoặc doanh nghiệp có công suất sử dụng điện lớn. Đặc biệt là các tòa nhà chung
cư, nhu cầu sử dụng thiết bị điện trong các hộ gia đình luôn biến động.
Theo Thanh niên