Friday, 22/11/2024 | 19:49 GMT+7

Tăng nguồn cung nhiên liệu sinh học từ tảo biển

13/04/2015

Không chỉ được sử dụng để sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hay mỹ phẩm, tảo thực sự còn là nguồn cung tiềm năng đầy của nhiên liệu sinh học.

Do tảo ngày càng có giá trị thương mại, người nuôi trồng thường bón phân hóa học để kích thích phát triển. Tuy nhiên, chi phí cho các loại phân bón hóa học này đã khiến lợi nhuận nuôi trồng tảo bị cắt giảm. Nếu gia tăng số vụ nuôi trồng, thì lượng phân bón hóa học cần phải sử dụng cho chúng cũng tăng lên nhiều hơn.

Đó là lý do vì sao các nhà khoa học tại Đại học Rice (Houston, Mỹ) đang tìm cách nuôi trồng tảo trong nước thải đô thị - loại nước vốn đã có chứa sẵn phân bón. Ở môi trường này, đổi lại, tảo có thể giúp làm sạch nước. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của tảo, sẽ làm tăng nguồn cung đầy tiềm năng của nhiên liệu sinh học. 

Được các nhà nghiên cứu Meenakshi Bhattacharjee và Evan Siemann đứng đầu, nhóm nghiên cứu của Đại học Rice đã thử nghiệm nuôi trồng các chủng tảo giàu dầu khác nhau trong các bể chứa nhỏ ngoài trời, chứa nước của các nhà máy xử lý nước thải ở Houston. Mặc dù các chất rắn đã bị lọc đi, nhưng nguồn nước này vẫn chứa nito và photpho - những chất mà rong biển cần để sinh trưởng.


Sau 14 tuần, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tảo không chỉ sinh trưởng tốt mà còn hấp thụ đến 90% lượng nitrat và 50% photpho trong nước. Nếu còn quá nhiều chất dinh dưỡng sót lại trong nước sau khi xả thải trở lại môi trường thì đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về môi trường, ví dụ như tảo nở hoa chẳng hạn.

Trong một nghiên cứu trước đó, các nhà nghiên cứu ở Kansas đã cố gắng nuôi trồng tảo trong nước thải. Ở môi trường đó, tảo hấp thụ ít photpho hơn, có thể vì khí hậu ở đó lạnh hơn. Điều này cho thấy công nghệ đó  phù hợp hơn ở những vùng có khí hậu ấm áp như Texas.

Các nhà khoa học Mỹ hiện vẫn đang xem xét thêm nhiều điều kiện môi trường khác nhau có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và hấp thụ các hóa chất trong nước thải, cùng với việc đánh giá hiệu quả kinh tế của hệ thống.

Mai Linh (Theo Gizmag)