Saturday, 23/11/2024 | 03:25 GMT+7
Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, Gutai cùng với một người bạn học là Milan Berenyi đã xây mẫu một ngôi nhà ở chính quê hương mình tại thành phố Kecskemet, phía nam Budapest, Hungary.
Ngôi nhà được hoàn thành với sự tài trợ từ EU. Qua đó, khái niệm “kỹ thuật chất lỏng” mà Gutai đã từng viết nhiều về nó cũng được giới thiệu.
Ngôi nhà được xây thế nào?
Cấu trúc ngôi nhà được tạo nên từ các tấm thép và kính, cùng với nước giữa các lớp bên trong, giúp cân bằng nhiệt độ ngôi nhà.
Ngôi nhà thực sự có thể tự sưởi ấm, bởi nhiệt độ dư thừa được lưu trữ dưới nền nhà hoặc trong các khu lưu trữ bên ngoài và được dẫn trở lại các bức tường khi nhiệt độ tự nhiên giảm xuống.
Nhiệt độ trong nhà cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp bằng cách sử dụng hệ thống điều khiển tương tự như hệ thống sưởi trung tâm. Đây là một hệ thống rất hiệu quả và bền vững. Ngôi nhà có thể tự sản sinh năng lượng, nâng cao tính độc lập với các nguồn cung năng lượng- điều này có thể giúp giảm lượng cacbon phát thải.
“Các tấm ốp của chúng tôi có thể tự làm cho ngôi nhà ấm lên hoặc mát hơn, nước bên trong chúng có chức năng rất giống như hệ thống sưởi ấm. Nó giúp tiết kiệm năng lượng, nhất là khi bạn đem so sánh nó với những tòa nhà có lớp kính lớn tương tự ở bên ngoài. Đây là một giải pháp rất sạch và bền vững”, Gutai nói.
Ý tưởng ban đầu
Khi còn đang theo học ngành kiến trúc bền vững tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, vào năm 2003, Gutai đã có ý tưởng về những ngôi nhà bằng nước sau khi tới một phòng tắm hơi ngoài trời.
Mặc dù tuyết rơi ngoài hồ bơi, Gutai vẫn thấy rất ấm áp một cách vô cùng thoải mái khi ở bên trong hồ. Từ đó, anh nhận ra được tầm quan trọng của nhiệt độ bề mặt nước và tiềm năng sử dụng nó trong kiến trúc.
“Là một kiến trúc sư, tôi thực sự nghĩ rằng điều quan trọng là ngôi nhà phải có tính lâu dài - Đây là một khái niệm trọng yếu trong kiến trúc đã từ nghìn năm nay. Cách chúng tôi tiếp cận không có gì khác quá nhiều, nhưng giờ đây, thay vì làm một điều gì đó thực sự mạnh mẽ, chống trọi với tất cả mọi thứ, thì chúng tôi muốn tạo ra những thứ thích nghi với môi trường".
“Kiến trúc đang thực sự thay đổi trong thời đại của chúng ta. Với kiến trúc dạng cứng, chúng ta đã đạt đến giới hạn của mình, còn bây giờ là lúc thích hợp để đi tìm một hệ thống mới”, Gutai chia sẻ.
Những rủi ro
“Nghiên cứu này đã bắt đầu từ 7 hay 8 năm trước”, Gutai giải thích. “Tôi bắt đầu nghiên cứu ở Đại học Tokyo và mất gần 6 năm để hoàn thành ngôi nhà. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc, nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra, ví dụ như điều gì sẽ xảy ra nếu thời tiết bên ngoài quá lạnh khiến nước đóng băng, hay khi một trong các tấm chắn bị nứt vỡ”.
“Hiện tại chúng tôi đang hoà nước với các dung môi tự nhiên. Việc này không gây ô nhiễm môi trường, nhưng lại giúp làm giảm nhiệt độ đóng băng xuống mức độ chấp nhận được. Trong thực tế, điều này có nghĩa là ngay cả khi công nghệ sưởi ấm thất bại, nước cũng sẽ không bị đóng băng”.
“Ở những nơi có khí hậu lạnh như Hungrary, chúng tôi thêm một số vật liệu cách nhiệt vào bên ngoài cấu trúc nhà để bảo vệ nước khỏi bị đóng băng”.
Còn nếu một tấm chắn bị vỡ thì sao?. "Chúng tôi đã thiết kế các khớp nối đặc biệt. Những yếu tố này tạo ra các dòng chảy chậm, ngăn chặn các dòng chảy nhanh hơn”.
Điều đó có nghĩa là nếu một tấm chắn bị vỡ, nó sẽ được các tấm khác bảo vệ ngay lập tức.
Gutai đã từng hợp tác với các trường Đại học và các nhà máy để đảm bảo việc xây dựng ngôi nhà mang tính khả thi. Mặc dù không gian của ngôi nhà mẫu khá nhỏ (tổng diện tích 8m2), song nó vẫn cho thấy được sức mạnh của công nghệ mới này.
Những kế hoạch trong tương lai
“Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng ít năng lượng và nguyên vật liệu hơn, càng ít lấy điện năng từ lưới điện thành phố càng tốt. Ngôi nhà nước là một trong những cách để thực hiện điều đó”, Gutai cho biết.
Xây nhà theo cách này là đắt hơn so với thiết kế truyền thống, nhưng nó lại giúp giảm thiểu nhu cầu năng lượng. Gutai đang làm việc với các nhà máy, các công ty trên khắp châu Âu để khiến công nghệ này được ứng dụng trong các dự án và biến nước thành nguyên liệu xây dựng trong một tương lai xanh hơn.
Mai Linh (theo CNN)