Saturday, 23/11/2024 | 08:15 GMT+7
Nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức Carbon Trust cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng to lớn trong ngành công nghiệp sản xuất sữa với công nghệ cạo băng mới mẻ.
Công nghệ này được sử dụng để làm sạch các đường ống bị vụn băng bao phủ, từ đó nâng cao hiệu quả năng lượng, tăng lợi nhuận và giảm thiểu tác động đối với môi trường.
Chương trình thử nghiệm này được tài trợ bởi Quỹ phát triển vùng của chính phủ Anh với sự tham gia thử nghiệm của hai công ty BV Dairy và Yeo Valley.
Kết quả thử nghiệm công nghệ cạo băng tại cơ sở sản xuất sữa của Yeo Valley cho hiệu quả tăng doanh thu lên đến 350 nghìn bảng Anh nhờ việc thu hồi sản phẩm và giảm thời gian chờ. Quá trình sản xuất cũng tiết kiệm được một lượng nước đáng kể, với khối lượng lên đến 25 tấn mỗi ngày và giảm lượng lớn chất thải.
Trong quy trình chế biến sữa, người ta thường dùng nước đun sôi ở nhiệt độ 80 độ C đổ trực tiếp vào các đường ống để làm sạch chúng, tránh sữa thừa bám dính và đóng két trong đó. Tuy nhiên, việc này rõ ràng đã lãng phí một lượng điện năng, nhiệt năng và nước rất lớn.
Công nghệ cạo băng là công nghệ được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol và đã bắt đầu được ứng dụng trong một số ngành công nghiệp khác từ năm 2010.
Khác với các phương pháp làm sạch thông thường dùng đến hoá chất khử trùng, công nghệ này sử dụng vụn băng để làm sạch thành đường ống. Trong ngành công nghiệp sữa, với phương pháp này, người ta không còn cần dùng đến nước nóng, thay vào đó vụn băng và sản phẩm được phân tách một cách rõ ràng, với tiềm năng thu hồi đến 75% lượng sản phẩm còn sót lại trong đường ống.
Không dừng lại ở thử nghiệm trên, các nhà khoa học đang tiến hành những nghiên cứu phân tích sâu hơn tiềm năng ứng dụng của công nghệ cạo băng ở hai dạng: độc lập và tích hợp.
Theo kịch bản được ứng dụng một cách độc lập, công nghệ cạo băng giúp giảm giá thành, đồng thời tăng năng suất nhờ hạn chế tối đa thời gian chết. Công ty Yeo Valley thông báo kết quả tăng 132 nghìn bảng Anh doanh thu mỗi năm.
Song lợi ích mà công nghệ cạo băng đem lại lại khi được tích hợp vào một cơ sở chăn nuôi bò sữa kết hợp với nhà máy chế biến sữ tại chỗ thậm chí còn lớn hơn. Mặc dù chi phí vốn có phần cao hơn, song do thời gian chết được giảm thiểu và chuyển thành thời gian sản xuất. Vì vậy, hiệu quả mặt kinh tế có thể lên tới 247 nghìn đô-la mỗi năm. Điều này sẽ làm tăng đáng kể năng suất của các cơ sở và tăng khối lượng sản phẩm có thể được bán ra.
Anh Tuấn (Theo Bristol)