Friday, 03/01/2025 | 10:49 GMT+7
Quy định về chống ô nhiễm thuỷ ngân được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra và chính thức có hiệu lực vào tháng 4-2015. Điều này đã dẫn đến sự phát triển của một ngành công nghiệp mới, dự kiến có quy mô lên tới hàng tỷ đô la. Ngành công nghiệp này nhằm đưa ra những giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong các nhà máy nhiệt điện than.
Theo quy định của EPA, các nhà máy nhiệt điện than có công suất trên 25 MW phải tiến hành các biện pháp để giảm thiểu 90% lượng thuỷ ngân phát thải, nhằm đối phó tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trong thời gian đầu, Chính quyền liên bang sẽ cung cấp một khoản vốn vay lên tới 2 tỉ đô la mỗi nhằm khuyến khích phát triển các công nghệ, thiết bị mới nhằm giúp các nhà máy đáp ứng yêu cầu trên.
Động thái trên từ phía chính quyền một mặt khiến các nhà máy nhiệt điện than không ngừng tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm thuỷ ngân, hạn chế sử dụng than cho phát điện. Đồng thời, thúc đẩy sự ra đời và phát triển của một ngành công nghiệp về các công nghệ có liên quan.
Hiện nay, ở Mỹ đã xuất hiện một số công ty vừa và nhỏ chuyên nghiên cứu giải pháp cho tình trạng ô nhiễm thủy ngân và bảo tồn nguồn than. Tuy vậy, những công nghệ này khá tốn kém.
Trên cơ sở phát huy những thành tựu của công nghệ cũ và cải tiến những điểm còn hạn chế, nhiều giải pháp công nghệ mới đã được đưa ra với nhiều ưu điểm vượt trội.
Thử nghiệm trong thời gian dài tại cơ sở nghiên cứu tại New York, Mỹ cho thấy, hiệu suất khôi phục nhiệt của công nghệ mới lên tới 3%, tương đương 300 BTU. Đồng thời, tỉ lệ tiết kiệm điện năng cũng cao hơn 3%.
Một công nghệ mới khác cũng được nghiên cứu với khả năng tiết kiệm đến 50% tiêu thụ năng lượng, giảm hơn 90% lượng phát thải thuỷ ngân. Đồng thời, công nghệ này cũng giúp thu hồi được một khối lượng lớn tro than, góp phần hỗ trợ cho ngành xi măng và bê tông.
Anh Tuấn (Theo Mining)