Saturday, 23/11/2024 | 05:23 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng với công nghệ thu hồi các-bon mới

28/08/2015

Những số liệu cụ thể cho thấy, công nghệ enzim carbonic anhydrase giúp giảm 88% mức tiêu thụ năng lượng và 31% tổng chi phí sản xuất nhiên liệu từ CO2 thu hồi được.

Một dự án của Chương trình quản lý phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Canada vừa cho ra đời công nghệ thu hồi các-bon mới cho phép tận dụng nguồn khí CO2 để tạo ra nhiên liệu, góp phần thay thế dầu mỏ.

Các nhà khoa học tham gia dự án đã sử dụng một loại siêu enzim trong quá trình thu hồi có tên gọi là “carbonic anhydrase” – chủng emzim vẫn thường được tìm thấy trong hệ hô hấp của con người.

Ông Kirk Andries, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Hiện nay, nhiều công nghệ thu hồi các-bon vẫn còn quá đắt đỏ khiến chi phí nhiên liệu thành phẩm sau sản xuất cao hơn nhiều lần dầu thô. Nói cách khác, chúng chỉ có giá trị về mặt lý thuyết song không khả thi khi đưa vào sản xuất hàng loạt ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, với enzim carbonic anhydrase, mâu thuẫn này sẽ được giải quyết.”

Những số liệu cụ thể cho thấy, công nghệ enzim carbonic anhydrase giúp giảm 88% mức tiêu thụ năng lượng và 31% tổng chi phí sản xuất nhiên liệu từ CO2 thu hồi được. Mặt khác, cũng cần biết thêm rằng, hiệu quả thu hồi khí CO2 trong khí thải công nghiệp của công nghệ này đạt tới 90%, cao nhất từ trước đến nay.

Sự ra đời của công nghệ này đã mở ra triển vọng mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu khi vừa làm giảm nhu cầu về năng lượng nói chung và các loại nhiên liệu hoá thạch nói riêng. Đồng thời, còn xử lý hiệu quả lượng các-bon phát thải từ các ngành khác. 

Anh Tuấn (Theo CCEMC)