Friday, 08/11/2024 | 21:54 GMT+7

Nhà máy thủy điện hoạt động bằng nước thải ở Ấn Độ

29/09/2015

Delhi (Ấn Độ) đang xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của mình, nhưng không tạo ra năng lượng từ nước chảy như mô hình thủy điện truyền thống.

Delhi (Ấn Đô) đang xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của mình nhưng không tạo ra năng lượng từ nước chảy như mô hình thủy điện truyền thống. Thay vào đó, hệ thống mới của nhà máy này sử dụng nước chảy xuống từ một đường ống nước thải đã qua xử lý để làm quay các tua bin.

Thu hồi lại năng lượng thất thoát trong dòng nước chảy từ các quá trình hiện có, chẳng hạn như hệ thống cấp nước đô thị, là một bước tiến phi truyền thống đối với thủy điện, và các thành phố như Portland đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống “cơ sở hạ tầng đường ống nước thông minh” này.

Nhà máy thủy điện mới ở Đông Delhi, Ấn Độ được xây dựng bên cạnh nhà máy xử lý chất thải 9 triệu gallon/ngày của Delhi Jal Board – một công ty cấp nước đô thị của Delhi ở Chilla. Nó được cho là nhà máy đầu tiên hoạt động theo mô hình này, không chỉ vì nó vận hành bằng nước thải mà còn là nhà máy thủy điện đầu tiên của thành phố. 

Theo Delhi Jan Board (DJB), dự án thí điểm này được lắp đặt miễn phí và ước tính mỗi năm 20.000 kWh điện từ nhà máy thủy điện này sẽ được sử dụng trực tiếp cho nhà máy xử lý nước thải.

“Sử dụng nhiên liệu hóa thạch dẫn đến việc tạo ra CO2, tạo nên hiện tượng Hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên nhiên liệu hóa thạch sẽ không được sử dụng để tạo ra điện trong nhà máy thủy điện ở Chilla, bởi vậy công nghệ này còn được gọi là công nghệ không ô nhiễm” - Delhi Jal Board cho biết.

Nước thải đã qua xử lý chảy từ độ cao 4,8m tại nhà máy xử lý nước thải đủ mạnh để làm quay tua bin và tạo ra điện sạch. Công nghệ năng lượng xanh này sẽ giúp giảm cả ô nhiễm không khí lẫn giá điện.

Delhi Jal Board cũng cho biết đang tìm cách nhân rộng việc xây dựng mô hình thủy điện này trong tương lai.


Mai Linh (theo Cleantechnica)