Saturday, 23/11/2024 | 07:28 GMT+7
Đó là anh Trần An, 57 tuổi, công nhân Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Ngôi nhà của anh tại phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chưa bao giờ mất điện, kể cả bão lũ lớn.
Đến thăm nhà anh, ấn tượng đầu tiên của tôi là khi bước vào phòng, đèn tự động bật sáng. Bước ra khỏi phòng, đèn tự động tắt. Anh cho biết đã sử dụng cảm biến chuyển động (thị trường dùng loại 220 V), còn anh mày mò chế tạo để chuyển qua dùng ở mức điện áp 12V DC và làm ra những bóng đèn hoạt động theo cơ chế tự bật khi sử dụng và tự tắt mỗi khi không dùng đến. Đây chính là nét mới ở gia đình anh bởi toàn bộ các bóng đèn, ti vi trong gia đình, anh đều chuyển về dùng ở mức điện áp 12V DC. Chỉ riêng việc này đã giảm tổn thất điện tới 40 %.
Tạo ra điện từ nắng và gió
Trước năm 1975 anh Trần An là thợ may. Sau năm 1975 anh vào làm việc ở ngành Điện, được cử đi bồi huấn nghề điện. Anh có gần 30 năm công tác tại Tổ xử lý sự cố, Phân xưởng đường dây (nay là Điện lực Hải Châu – TP Đà nẵng). Điều đó trang bị cho anh kiến thức, kinh nghiệm, lòng yêu ngành, yêu nghề, và cao hơn là lòng đam mê với nghề.
Từ năm 2006 anh được lãnh đạo bố trí làm công tác bảo vệ của Công ty. Ngoài giờ làm việc anh bỏ nhiều công sức để tìm mua lại những tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, quạt …đã hư hỏng từ những cửa hàng đồ cũ và phế liệu về tháo gỡ, tận dụng, lắp ráp thành sản phẩm mới, sử dụng tốt.
Anh đã nghiên cứu thành công bộ điều khiển sạc để biết chính xác khi sạc nguồn năng lượng bao nhiêu vôn (V), khi đầy tự động ngắt. Nhờ vậy mà từ tấm pin, năng lượng thu được sẽ chuyển qua bộ điều khiển sạc để xử lý, sau đó truyền về bình ắc quy để cung cấp cho các thiết bị điện.
Trên mái nhà, anh lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời. Với nắng nóng mùa hè nguồn điện nhà anh luôn dư dả. Anh còn lắp đặt trên sân thượng một chiếc quạt gió để thu năng lượng gió về mùa mưa. Có sẵn năng lượng tự nhiên quanh năm gia đình anh thoải mái dùng điện. Tất cả các thiết bị thu nạp năng lượng trong gia đình đều do anh tận dụng, chế tạo, lắp đặt từ những thiết bị cũ nên chi phí rất thấp, khoảng 1,5 triệu đồng.
Toàn bộ các bóng đèn, ti vi trong gia đình, anh thay thế công suất chuyển về dùng ở mức điện áp 12V DC phù hợp với công suất của bình ắc quy sạc được. Thực tế nhiều năm qua, gia đình anh chưa bao giờ…mất điện. Đặc biệt, năm 2013 toàn thành phố mất điện do sức tàn phá nặng nề của cơn bão Hayang nhưng gia đình anh vẫn có điện dùng từ nguồn năng lượng tích trữ qua ắc quy, ngoài ra còn bổ sung nguồn năng lượng thu nạp thêm rất lớn từ gió bão.
Riêng những thiết bị có công suất lớn hơn như máy quạt, tủ lạnh, điều hòa anh nghĩ ra cách dùng bộ biến tần bán dẫn (inverte) chuyển đổi từ 12V DC thành 220V AC để sử dụng. Chỉ cần cắm thiết bị vào inverter, đấu nối với bình ắc quy thì có thể khởi động ngon lành. Hoàn toàn không lo điện giật hoặc mất điện. Tiện lợi hơn là có thể đem máy khoan, máy cắt đến bất kỳ nơi đâu để làm việc mà không e ngại về nguồn điện.
Hòa lưới điện tại gia đình
Dù có nguồn năng lượng tự nhiên từ mặt trời và gió nhưng anh An chỉ áp dụng cho những thiết bị điện có công suất nhỏ. Để đồng bộ năng lượng cho tất cả các thiết bị điện trong nhà, cần lắp đặt thêm nhiều công cụ, chi phí rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, anh đã nghiên cứu, kết hợp công nghệ, lắp đặt thành công bộ hòa lưới điện tại nhà (hòa năng lượng tự nhiên vào nguồn điện lưới) bằng cách lắp đặt thêm tấm pin, bộ hòa lưới, đồng hồ, công tắc điều khiển.
Anh cho biết: “Nguồn điện nhà tôi sử dụng 200w, khi lắp đặt hệ thống hòa lưới thì đưa vào nguồn năng lượng tự nhiên từ 120w trở lên giúp tiết kiệm ít nhất 60 % năng lượng điện”. Thực tế, gia đình anh mỗi tháng chỉ trả khoảng trăm ngàn tiền điện.
Chế tạo thành công đèn led
Sáng kiến tiếp theo, anh đã tự chế đèn led để sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà mình đã lắp đặt. Năm 2010 đèn led do anh tự chế được sử dụng trong gia đình. Tuổi thọ trung bình của thiết bị này lên đến 30.000 giờ trong khi bóng đèn bình thường ở ngoài thị trường chỉ 10.000 giờ.
Toàn bộ đèn chiếu sáng trong nhà anh đều sử dụng đèn led tự chế tạo. Loại đèn này được anh lắp đặt thành đèn đơn hay thành đèn nhiều chuỗi. Thú vị hơn anh còn chế tạo ra bộ điều khiển từ xa để bật, tắt các bóng đèn (bật một hay nhiều đèn trong cùng một chuỗi đèn). Bộ điều khiển dùng chung cho cả nhà và từng phòng. Ngoài ra từng phòng vẫn có bộ điều khiển bật, tắt đèn riêng.
Nhân rộng mô hình tiết kiệm năng lượng
Tiếng lành đồn xa, những sáng chế độc đáo, thông minh của anh đã được nhiều người biết đến. Anh đã nhân rộng mô hình này không chỉ ở những gia đình thân quen mà còn mở rộng ra một số địa phương khác như Quảng Ngãi, Gia Lai. Một sô khách sạn, nhà hàng, quán cà phê đã nhờ anh tư vấn, lắp đặt các thiết bị sạc năng lương tự nhiên, hòa lưới cho các bảng quảng cáo, bóng đèn chiếu sáng. Đặc biệt anh chế tạo thành công bộ sạc năng lượng tự nhiên cho wife (khi mất điện wife vẫn hoạt động).
Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ rẫy cà phê rộng 2,5 ha tại huyện H.Kbang, Gia Lai, khu rẫy chưa có điện phải dùng máy nổ, mỗi ngày tốn 250 ngàn tiền dầu (mỗi tháng tốn 7,5 triệu đồng, mỗi năm tốn 90 triệu đồng). Thông qua một người bạn, anh An đã lắp đặt hệ thống tích hợp năng lượng thiên nhiên giúp có điện thắp sáng toàn bộ khu rẫy với 12 đèn led, chạy ti vi. Anh Vinh phấn khởi chia sẻ:“ Bây giờ gia đình mình sướng lắm, được dùng năng lượng sạch, an toàn, hàng tháng khỏi phải lo trả tiền dầu chạy máy nổ ”.
Không chỉ tiết kiệm điện cho gia đình, người thân và những người xung quanh, những sáng kiến của anh An góp phần nhân rộng ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng. Đó chính là niềm đam mê, tâm huyết, trăn trở không ngừng thôi thúc anh.
“Việc sử dụng năng lượng mặt trời và gió không mới, cái chính là mình có chịu khó nghiên cứu áp dụng hay không. Nếu ai cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ để tiết kiệm năng lượng. Tôi tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt các thiết bị thu năng lượng tự nhiên đơn giản, ít tốn kém để nhà nào cũng có thể sử dụng”- anh Trần An chia sẻ.
Nguyễn Xuân Tư