Saturday, 23/11/2024 | 02:20 GMT+7
Những mô hình của nghệ nhân người Argentina có tên gọi Aerocene, hoàn toàn không có động cơ mà hoạt động chỉ dựa vào dòng khí và nhiệt trên cao. Mỗi khinh khí cầu được làm từ một lớp lá kim loại mỏng, một nửa khí cầu trong suốt và nửa có khả năng phản chiếu ánh sáng.
Theo nghệ nhân này, các cấu trúc hình cầu này sẽ bay trên bầu trời bằng khí nóng của mặt trời vào ban ngày và bằng không khí ấm được tạo ra bởi bức xạ hồng ngoại của trái đất vào ban đêm.
Chúng là giai đoạn đầu trong kế hoạch bay quanh hành tinh bằng năng lượng không khí mà Saraceno dự định sẽ hoàn thành, không cần dựa vào nhiên liệu hoặc động cơ.
“Tôi đã nghiên cứu các cấu trúc những khinh khí cầu này với ý tưởng rằng nó có thể bay vòng quanh thế giới trong nhiều lần mà không cần nhiên liệu, hydrocacbon, khí heli, các tấm pin năng lượng mặt trời hay pin nhiên liệu”.
Bằng cánh giải phóng khí nóng từ bên trong khinh khí cầu Aerocene, áp lực sẽ được điều chỉnh và độ cao của khinh khí cầu được kiểm soát. Nó cũng có thể nổi trên những dòng khí phản lực, và dùng nó như một cách để thay đổi phương hướng.
“Giờ đây, Aerocene đã bắt đầu như là một công nghệ từ quá khứ hướng tới tương lai”, ông Saraceno nói. “Trong tương lai gần, nó sẽ định hình kỉ nguyên du lịch không nhiên liệu hóa thạch, nhịp độ của cuộc sống được điều chỉnh theo ý thích của gió”.
Các cấu trúc khinh khí cầu đã được lắp đặt tại Grand Palais ở Paris trong Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP21 hồi tháng 12/2015, nhằm nâng cao nhận thức về sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch và đề xuất một phương pháp thay thế trong lĩnh vực du lịch.
Sau triển lãm, Saraceno dự định sẽ thử nghiệm các mô hình này trong chuyến thám hiểm đến hồ muối Uyuni của Bolivia – hồ muối lớn nhất thế giới. Ông cũng đang tìm kiếm các đối tác để giúp Aerocene trong hành trình vòng quanh Trái đất đầu tiên của nó.
“Mang dự án Aerocene đến Grand Palais là một chặng đường dài: tất cả các bài kiểm tra, những sai lầm và sửa chữa, hợp tác và đề nghị" nghệ sĩ này cho biết.
“Tất cả những người đã từng làm việc trong dự án này đã có được một phần thành công cơ bản”.
Bất cứ khi nào chúng tôi cố làm cho chiếc khinh khí cầu bay lên, chúng tôi đều học được nhiều hơn về chúng và về khí phản lực, các ngọn gió, không khí, tầng bình lưu. Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu vẫn tiếp tục diễn ra".
Mai Linh (theo Dezeen)