Monday, 23/12/2024 | 08:03 GMT+7
Đối với các ngôi làng ở những vùng xa xôi tại Indonesia, các thiết bị sử dụng điện là điều quá xa xỉ. Họ thường phải sử dụng gỗ hoặc khí đốt để sưởi ấm và nấu ăn. Tuy nhiên việc vận chuyển các nguyên liệu này tới những vùng xa xôi cũng không phải là điều đơn giản, bên cạnh đó sử dụng gỗ và khí đốt cũng thải ra nhiều khí độc hại vào môi trường.
Một tin tốt, đó là Chính phủ Indonesia đã tìm ra được loại năng lượng sạch để thay thế. Đó không phải là năng lượng Mặt Trời hay sức gió, mà loại năng lượng này bắt nguồn từ đậu phụ.
Đối với chúng ta, đậu phụ là một món ăn bình dân. Nó có thể được dùng để làm tào phớ, một món ăn rất ngon trong những ngày nóng bức. Thế nhưng tại Indonesia, đậu phụ không chỉ là món ăn mà nó còn là một nguồn năng lượng sạch.
Vậy làm thế nào để biến đậu phụ thành nguồn năng lượng? Chính phủ Indonesia đã tìm ra cách để biến điều không tưởng đó thành hiện thực.
Trước tiên, nó bắt nguồn từ cách để làm ra đậu phụ. Về cơ bản thì cách chế biến ra đậu phụ là ngâm và xay hạt đậu nành. Sau khi xay nhuyễn chúng ta có sữa đậu nành, chất lỏng này được đi qua hệ thống lọc. Sau đó được cho thêm một vài chất giúp kết tủa tự nhiên, giúp cho sữa đậu nành đông đặc lại thành đậu phụ.
Trong quá trình này, chúng ta sẽ cần đặt một vài vật nặng lên trên để ép toàn bộ nước ra khỏi đậu phụ sau khi nó đông đặc. Khi hoàn tất, chúng ta có đậu phụ và một lượng nước thải ra.
Chính thứ nước này sẽ được sử dụng để tạo ra một loại nhiên liệu mới có thể thay thế cho khí đốt. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách thêm vào nước đó một loại vi khuẩn để biến nó thành khí biogas.
Quá trình sản xuất đậu phụ thải ra lượng nước rất lớn, chính vì vậy mà đây là nguồn nhiên liệu rất dồi dào. Chính phủ Indonesia đã thử nghiệm phương pháp mới này với một chiếc xe bồn lớn, thu thập nước thải từ quá trình sản xuất đậu phụ tại các ngồi làng.
Sau đó, chiếc xe bồn sẽ biến đổi nước thải này thành khí biogas và quay trở lại để cung cấp cho người dân. 20.000 mô hình như vậy đang được Chính phủ Indonesia lên kế hoạch để đưa vào hoạt động thực tế.
Đây là giải pháp cực kỳ hiệu quả để thay thế cho các loại khí đốt và gỗ, phù hợp với những ngôi làng nhỏ ở những vùng xa xôi. Phương pháp này cũng rất nên được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển khác như Việt Nam.
Theo genk.vn