Monday, 18/11/2024 | 13:51 GMT+7
Hai thập niên vừa qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế trên thế giới. Cùng sự phát triển mạnh mẽ này cũng dẫn tới nhu cầu sử dụng dầu mỏ mạnh mẽ chưa từng có, làm cho kinh tế toàn cầu cân bằng một cách mong manh. Chúng ta cần phải tìm ra các nguồn năng lượng mới, có thể tái chế được và đưa chúng vào sản xuất hàng loạt. Công nghệ pin năng lượng sử dụng khí hyđro vẫn còn là chuyện xa vời. Rất nhiều nguồn năng lượng có thể tái chế được như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hay năng lượng thủy triều vẫn còn gặp khó khăn trong việc khai thác, bởi những lý do như chi phí cao, công nghệ không phù hợp... Tuy nhiên, các sản phẩm dưới đây sử dụng nguồn năng lượng mặt trời là thể hiện sự “nóng sốt” của các nhà sản xuất.
Dòng máy tính xách tay sử dụng năng lượng mặt trời
Công ty Micro-Star International (MSI) vừa giới thiệu 2 sản phẩm ở hội chợ người tiêu dùng điện tử (CES) 2006 tại Mỹ. Đó là máy tính xách tay dùng năng lượng mặt trời và card đồ hoạ có khả năng nâng cấp không giới hạn.
Với một tấm bảng hấp thụ năng lượng mặt trời bao phủ trên bề mặt của máy tính xách tay, năng lượng mặt trời sẽ chuyển năng lượng tới hệ thống. Máy tính xách tay dùng năng lượng mặt trời có thể tự đáp ứng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường và giảm đến mức tối thiểu tài nguyên của tự nhiên. Thế hệ card đồ hoạ mới của MSI là Geminium-GO có thể tiêu thụ năng lượng ít mà đạt hiệu suất cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định thời gian tung ra sản phẩm.
Tế bào năng lượng mặt trời linh hoạt
Các toà nhà của tương lai có thể được “khoác’’ một loại vật liệu linh hoạt, tạo điện năng, giống như vải bông chéo. Các nhà chế tạo hy vọng, vật liệu tạo điện của họ sẽ giúp các kiến trúc sư thiết kế những toà nhà phức tạp, có nhiều đường cong song vẫn mang được các tế bào năng lượng mặt trời.
Không giống các tế bào năng lượng mặt trời bình thường, vật liệu mới, rẻ tiền trên không có đế silicon cứng. Cụ thể, nó được làm từ hàng nghìn hạt silicon rẻ tiền được kẹp giữa 2 lớp lá nhôm mỏng và được bịt kín bằng chất dẻo ở cả hai bên. Mỗi hạt có chức năng như một tế bào năng lượng mặt trời nhỏ bé, hấp thụ ánh sáng mặt trời và biến nó thành điện năng. Các lá nhôm tạo cho vật liệu sức bền vật lý và hoạt động như các tiếp điểm điện.
Ý tưởng này là của Công ty Spheral Solar (Cambridge) đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1997. Theo nhà sản xuất, các tấm pin mặt trời linh hoạt sẽ được trình làng vào năm tới.
Mặt trời + công nghệ nano = nhiên liệu tương lai
Công ty Hydrogen Solar tại Anh đã tiến thêm một bước nữa trong việc bắt giữ ánh sáng mặt trời để sản xuất đủ nhiên liệu hydro, cung cấp năng lượng cho ô tô và các toà nhà. Phụ thuộc vào cách thức sản xuất, nhiên liệu hydro là nguồn năng lượng xanh, sạch và dễ tích trữ. Công nghệ tế bào hydro không gây ô nhiễm được dự đoán là làn sóng kế tiếp nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính phát thải, tiếp sau động cơ điện hỗn hợp hiện được sử dụng trong ngành ô tô.
Nhà sản xuất cho biết, hiện họ đã biến thành công hơn 8% ánh sáng mặt trời trực tiếp thành hydro bằng công nghệ tế bào nhiên liệu. Tuy nhiên, để một nguồn năng lượng khả thi về thương mại, nó phải đạt hiệu suất 10% theo tiêu chuẩn công nghiệp. Hydro là nguồn năng lượng tái sinh, có tiềm năng thay thế nhiên liệu hoá thạch. TS. David Auty, Giám đốc Hydrogen Solar nhận định, thiếu dầu mỏ chính là động lực để con người tìm kiếm công nghệ tế bào hydro. Nghiên cứu năng lượng hydro đã được đầu tư mạnh tại Mỹ. Năm 2003, Tổng thống Bush tuyên bố chi 1,7 tỷ USD để biến Mỹ thành nước dẫn đầu thế giới về ô tô chạy bằng hydro. General Motors cho biết, hãng này sẽ xuất xưởng 1 triệu xe chạy bằng tế bào nhiên liệu trong thập kỷ tới. Các tập đoàn xe hơi khác cũng đang chinh phục nhiên liệu hydro. Diamler Chrysler, Ford và GM đã chi khoảng 2 tỷ đô la để sản xuất xe hơi, xe tải và xe buýt chạy bằng tế bào nhiên liệu. William Clay Ford, Chủ tịch Ford, đã dự đoán tế bào nhiên liệu sẽ chấm dứt sự thống trị của động cơ nổ.
Trung Quốc sắp có mặt trời nhân tạo
Viện Khoa học Vật lý Hefei thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang hoàn tất lò phản ứng tổng hợp hạt nhân thí nghiệm siêu dẫn tiên tiến (EAST). Dự án trọng điểm này nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9 của Trung Quốc, dự kiến khánh thành vào tháng 4/2006. Khi đó, Hefei sẽ trở thành viện đầu tiên trên thế giới xây dựng được một lò hình bánh rán, hoàn toàn siêu dẫn, hay còn gọi là mặt trời nhân tạo.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu đe doạ thế giới, vì dầu, than và các nguồn năng lượng phi tái sinh khác đang cạn kiệt. Các nhà khoa học đề xuất tách deuterium từ nước biển và khởi động phản ứng tổng hợp hạt nhân của nguyên tố này ở 100 triệu độ C.
Trong phản ứng tổng hợp hạt nhân, deuterium được tách từ 1kg nước biển có thể tạo ra năng lượng tương đương với năng lượng của 300 lít xăng.
Việc xây dựng một lò phản ứng có thể chịu được 100 triệu độ C và kiểm soát phản ứng tổng hợp hạt nhân của deuterium nhằm đảm bảo công suất ổn định, liên tục, tương đương với việc tạo ra một mặt trời nhân tạo. Loại lò này có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch, vô tận giống như mặt trời vì nước biển gần như không bao giờ cạn kiệt.
(Nguồn: ICON)