Saturday, 23/11/2024 | 02:10 GMT+7
Tránh rong rêu bám vào thành ống
Ông Phạm Huy Phong, Trưởng Phòng Kỹ thuật ECC, cho biết ở nhiều doanh nghiệp (DN), đối với các cụm máy có thiết bị ngưng tụ loại bình ngưng - tháp giải nhiệt và loại giàn ngưng bay hơi, nước sử dụng chủ yếu cho hệ thống giải nhiệt của máy được lấy từ hệ thống khai thác nước ngầm của chính DN. Nước này chưa được xử lý về độ cứng và chưa được bổ sung chất chống rong rêu. Điều này làm cho tổng lượng chất rắn hòa tan (TDS) trong nước giải nhiệt khá cao, tạo nên những chất rắn và rong rêu bám vào thành ống và bề mặt trao đổi nhiệt của giàn ngưng, tháp giải nhiệt và bình ngưng của máy làm giảm hiệu quả của quá trình truyền nhiệt.
Đối với các cụm máy có thiết bị ngưng tụ loại giàn ngưng giải nhiệt gió: Không khí giải nhiệt được lấy trực tiếp từ bên ngoài nên có nhiều bụi bẩn.
Vì vậy, theo tư vấn của ECC, trước khi được bổ sung vào hệ thống, nước cần được xử lý để giảm độ cứng, đạt tiêu chuẩn độ cứng cho phép tránh tình trạng các chất cáu cặn, rong rêu bám vào thành ống. Cụ thể, nước giải nhiệt cũng cần được bổ sung một lượng sulfat đồng (CuSO4) thích hợp một cách định kỳ để loại trừ việc phát triển các loại rong rêu có hại cho hệ thống. Bên cạnh đó, cần chú ý vệ sinh định kỳ hệ thống giải nhiệt của các cụm máy bao gồm: Vệ sinh các giàn ngưng (giàn ngưng bay hơi và giàn ngưng giải nhiệt gió). Vệ sinh bình ngưng, tháp giải nhiệt. Vệ sinh các giàn lạnh.
Việc làm này sẽ làm tăng hiệu quả trao đổi nhiệt, từ đó làm tăng hệ số COP của máy lạnh. Hiệu quả cuối cùng có thể ước lượng là giảm điện năng tiêu thụ cho các máy lạnh khoảng 2% đến 4%.
Nếu lấy mức 3% năng lượng tiết kiệm được từ việc xử lý tốt hệ thống nước giải nhiệt, lượng điện năng tiết kiệm hằng năm ở một DN có quy mô trung bình tương đương hơn 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hằng năm tiết giảm được lượng khí CO2 thải ra môi trường là: 47.651 kg CO2/năm.
Thay đổi phương pháp xả đá giàn lạnh
Qua khảo sát của ECC, phổ biến ở các DN là kho lạnh sử dụng loại máy nén trục vít 22 KW có hệ thống giải nhiệt loại bình ngưng, tháp giải nhiệt có bơm nước giải nhiệt công suất 2 Hp và quạt tháp giải nhiệt công suất 1 Hp. Giàn lạnh trong kho được cài đặt xả đá 4 lần 1 ngày (24 giờ) với thời gian xả là 45 phút (bằng cách sử dụng bộ đo thời gian xả đá). Trong giai đoạn xả đá tuy động cơ máy nén đã dừng nhưng động cơ bơm nước và động cơ quạt tháp giải nhiệt vẫn hoạt động bình thường. Điều này gây lãng phí điện năng vô ích.
Trong khi đó, phương pháp xả đá giàn lạnh là sử dụng các thanh điện trở, tổng cộng 15 thanh với công suất điện mỗi thanh 800 W. Như vậy năng lượng điện tiêu tốn trong giai đoạn xả đá là khá nhiều (tổng công suất các thanh điện trở là 12KW).
Thời điểm kết thúc việc xả đá giàn lạnh cố định và do bộ đo thời gian xả đá quyết định. Do đó khó có thể tối ưu thời gian xả đá, nhằm tiết giảm tối đa điện năng tiêu tốn trong thời gian xả đá.
Vì vậy, DN cần lắp đặt thêm một phần điều khiển tự động đơn giản nhằm điều khiển bơm và quạt tháp giải nhiệt ngừng ngay sau khi máy nén ngừng và chạy lại trước khi máy nén hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi phương pháp xả đá, không sử dụng điện trở mà xả đá bằng nước. ở đây có thể sử dụng nước từ hệ thống nước của DN hoặc dùng nước giải nhiệt tuần hoàn trong bể chứa của tháp giải nhiệt. Trong phương pháp này cần lắp đặt thêm đường ống nước vào/ra xả đá giàn lạnh và 1 bơm nước. Có thể sử dụng chính bơm nước giải nhiệt 2 Hp làm nhiệm vụ này.
Để tối ưu hóa việc xả đá giàn lạnh, cần lắp đặt thêm các cảm biến nhiệt nhằm xác định chính xác trạng thái giàn lạnh trong giai đoạn xả đá. Từ đó có thể điều chỉnh tối ưu thời gian xả đá.
Kết quả mỗi năm DN tiết kiệm được khoảng 30.000 KWh điện (với quy mô như đã nói), tương đương vài chục triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho việc cải tạo này là không đáng kể.
Nguồn: NLĐ