Monday, 18/11/2024 | 07:46 GMT+7

Thu năng lượng từ đại dương

08/12/2008

Đại dương bao phủ 70% diện tích bề mặt trái đất chính là các “mỏ” năng lượng không bao giờ cạn. Đó là điều các nhà khoa học đưa ra tại Hội nghị LHQ lần thứ 14 về khí hậu diễn ra tại Poznan (Ba Lan) từ ngày 1 đến 12-12 với sự tham dự của khoảng 9.000 đại biểu từ 185 nước.

Đang đầu tư nghiên cứu

Các dòng hải lưu, thủy triều, sóng biển, sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước biển trên bề mặt với nước bên dưới... đều có thể khai thác để sinh điện. Theo ước tính của tổ chức quốc tế về năng lượng AIE, công suất tổng cộng của tất cả nguồn năng lượng biển nói trên lên tới 90.000 terawatt/giờ (1 TWh = 1.000 tỷ watt), so với công suất 18.000 TWh của ngành điện lực toàn thế giới.

 

Hệ thống Pelamis thu năng lượng từ sóng biển

 

“Hiện chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu tư cho nghiên cứu nhưng về lâu dài, tiềm năng năng lượng từ biển là vô cùng lớn” – theo ông Jean-Louis Bal, giám đốc bộ phận Năng lượng tái sinh thuộc Cơ quan Môi trường và làm chủ năng lượng Pháp ADEME,. Các đại dương đủ khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của con người.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phân biệt giữa “tiềm năng tự nhiên” về mặt lý thuyết với “tiềm năng có thể khai thác” về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, còn phải giải quyết những vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường... liên quan. Dù các công nghệ đang được nghiên cứu, thử nghiệm nhưng trên thế giới đã có nhiều dự án khai thác năng lượng từ biển, với những ý tưởng và cách làm rất phong phú.

 

Đa dạng năng lượng biển

Châu Âu đang tiến hành hơn 10 dự án khai thác năng lượng sóng biển làm quay tuốc bin máy phát điện. Điện sinh ra được dẫn vào đất liền nhờ đường cáp dưới biển. Bồ Đào Nha thử hệ thống thu năng lượng sóng biển Pelamis của Anh, có hình dáng như một con trăn nổi trên mặt nước, dài 150m, gồm những ống nối với nhau. Dưới tác động của sóng, các ống dao động và sinh năng lượng. Hệ thống này có khả năng cung cấp điện sinh hoạt cho 2.000 gia đình.

 

Ở Pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia thử nghiệm một thiết bị nổi khổng lồ, bên trong treo một quả lắc nặng 400 tấn, liên kết với một hệ thống cơ khí, cho phép chuyển đổi cơ năng do sóng làm chuyển động quả lắc thành điện năng. Thiết bị này sẽ được đưa ra biển vào năm 2010.

 

Các hệ thống “quạt nước” tìm cách khai thác các dòng hải lưu để làm quay tuốc bin. Theo các chuyên gia, các dòng hải lưu là nguồn năng lượng khá hấp dẫn vì nước “đậm đặc” hơn không khí tới 1.000 lần, lại không “lúc có, lúc không” như gió. Để các hệ thống này hoạt động, thì vận tốc dòng chảy phải lớn hơn 1m/giây.

 

Công ty Điện lực quốc gia Pháp có kế hoạch lắp đặt nhiều “máy phát điện” kiểu này ở vùng biển Bretagne (Tây Bắc Pháp), nơi các dòng hải lưu có tốc độ lớn nhất ở châu Âu (tiềm năng tương đương 10 nhà máy điện hạt nhân).

 

Trong khi đó, nhà máy điện ở Rance, xây năm 1960, cho phép thu năng lượng từ thủy triều nhờ một đập nước (500 GWh/năm). Tuy nhiên, công suất của các cơ sở loại này còn hạn chế do không dễ tìm được vị trí thích hợp.

 

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí và nước biển được khách sạn Intercontinental ở Polynesia sử dụng để điều hòa nhiệt độ. Nhờ một ống dẫn đặt sâu 800m dưới biển, nơi nước rất lạnh, người ta bơm nước lên làm mát các phòng khách sạn.

 

Đại dương còn là nguồn cung cấp năng lượng sinh học dồi dào, các loại vi tảo trong biển được dùng để sản xuất khí đốt. Đó là chưa nói đến nguồn năng lượng osmose (hiện tượng thẩm thấu tạo áp lực khi nước mặn tiếp xúc với nước ngọt qua một cái màng) có thể khai thác ở các vùng cửa sông...

(Theo: SGGP)