Sunday, 17/11/2024 | 13:44 GMT+7

Tiềm năng năng lượng tái tạo biển Việt Nam

09/12/2009

Nguồn năng lượng biển, nhất là nguồn năng lượng tái tạo là vô giá, vừa thân thiện với môi trường vừa rẻ. Tuy vậy, để sử dụng nó, chúng ta cần có một dự án cấp Nhà nước, nghiên cứu, khảo sát, nhằm cung cấp những số liệu chi tiết để các nhà đầu tư xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên biển Việt Nam.

Biển Việt Nam - nguồn năng lượng sạch vô giá.

Những ngày đầu tháng 12/2009, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học toàn quốc về “Điều tra, khảo sát tiềm năng năng lượng biển Việt Nam” đã được tổ chức. Có nhiều báo cáo đề cập đến tất cả các dạng năng lượng biển, nhằm điều tra, khảo sát để xây dựng những đề án xây dựng nhà máy phát điện tại chỗ, cho vùng biển, hải đảo. Việt Nam có cả nghìn hòn đảo khó có thể kéo điện lưới đến được.

Ngoài nguồn năng lượng gió, mặt trời, biển Việt Nam còn những gì?

- Đặc điểm thủy triều, có hai vùng có biên độ thủy triều đủ lớn là Quảng Ninh và Trà Vinh có khả năng sử dụng năng lượng thủy triều.

Nguyên lí khai thác và sử dụng năng lượng thủy triều là dựa trên quá trình khống chế việc chứa nước và tháo nước ở một vịnh hay một cửa sông nhờ cái đập làm quay turbin thủy điện.

- Đặc điểm dòng chảy, ổn định về hướng và tốc độ là điều kiện tốt để khai thác nguồn năng lượng để phát điện.

Nguyên lí tập trung năng lượng dòng chảy bằng dù, liên kết dòng chảy, chân vịt, vòng cung và dạng “coriolit”. Tại eo biển Florida có máy phát điện bằng hải lưu bằng dù. Dùng 50 cái dù nối với nhau bằng một dây cáp. Nối hai đầu dây, mắc vào bánh xe được gắn cố định vào đuôi tàu neo trên biển. Hải lưu mạnh làm dù xòe ra (giống như gió mạnh kéo căng dù), làm bánh xe gắn trên tàu chuyển động không ngừng. Thông qua hệ thống bánh xe truyền động ở nhiều cấp để gia tăng tốc độ quay, làm máy phát điện chạy.

- Đặc điểm phân bố nhiệt độ nước biển, giữa vùng nước sâu và trên bề mặt, nhiệt độ nước biển chênh nhau trên 20 độ C, ta có thể sử dụng để làm nhiệt điện.

Nguyên lí phát điện như sau: Phải dùng chất môi giới là khí Heli có điểm sôi thấp, bốc hơi trong máy khi bị tác động của nước biển nóng lên 25 độ C, tạo ra áp lực lớn (dạng khí) đi qua đường ống làm quay máy phát điện. Năm 1930, Cuba đã xây dựng một nhà máy phát điện đầu tiên trên thế giới theo kiểu này. Năm 1956, làm thêm một nhà máy nữa có công suất 7 000 kW, đồng thời còn tạo ra 1, 4 vạn tấn nước ngọt.

 

Hệ thống Pelamis thu năng lượng từ sóng biển - Ảnh: Cyberpresse

- Đặc điểm phân bố độ mặn, dựa vào sự chênh lệch độ mặn ở vùng tiếp giáp giữa nước sông và nước biển để tạo ra một nguồn năng lượng lớn.

Nguyên lí tạo ra nguồn điện từ sự chênh lệch độ mặn do áp lực thẩm thấu không ngừng thấm qua màng đặc biệt về phía bể chứa nước mặn, vốn đã chứa đầy nước biển, khiến cột nước ở tháp thủy áp dâng cao (cột xây trong bể chứa). Cột nước dâng cao đến mức nào đó, sẽ đổ vào bánh xe nước làm quay turbin phát điện.

- Sóng biển chứa một nguồn năng lượng vô cùng lớn.

Nguyên lí cơ bản tạo ra dòng điện từ sóng biển giống như cơ chế hoạt động của một cái bơm xe đạp. Máy phát điện đặt trên mặt biển, giống như một cái bơm đẩy nằm ngang, pít tông nối liền với phao, nhờ sóng biển trồi lên, trồi xuống mà pít tông chuyển động, làm nén khí. Khí bị nén dưới áp suất cao phụt qua miệng phun, làm máy phát điện hoạt động.

Cuối buổi hội thảo, PGS. TS Phạm Huy Tiến – Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Biển và Công nghệ Biển đã đánh cao các ý kiến trong các tham luận tập trung vào ba vấn đề lớn:

1. Định hướng phát triển năng lượng biển;

2. Xây dựng dự án điều tra cơ bản đánh giá nguồn năng lượng biển;

3. Xây dựng dự án phát triển công nghệ riêng về năng lượng biển.

(Nguồn: vietnamnet.vn)