Saturday, 23/11/2024 | 11:11 GMT+7

Nhiên liệu từ vi sinh vật

12/05/2010

Vi sinh vật đơn bào sống trong một tấm panen có hình dạng giống như pin quang điện. Bề mặt tấm panen có một lớp kính để đón ánh sáng mặt trời. Những vi sinh vật này sống trong nước mặn và cần một lượng nhỏ các dưỡng chất hóa học.

Một công ty mới thành lập đã đầu tư vào một dự án tiên phong tại bang Texas được cho là sẽ sản xuất được ethanol và điezen theo một phương thức hoàn toàn mới: vi sinh vật bài tiết ra nhiên liệu.

Công ty Joule Unlimited có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts cũng từng phát triển một số loại vi sinh vật biến đổi gen có khả năng hấp thụ ánh sáng và khí CO2 để chuyển thành hiđrocacbon.

joule-thumb-550x356-28458.jpg

Vi sinh vật đơn bào sống trong một tấm panen có hình dạng giống như pin quang điện.

Vi sinh vật đơn bào sống trong một tấm panen có hình dạng giống như pin quang điện. Bề mặt tấm panen có một lớp kính để đón ánh sáng mặt trời. Những vi sinh vật này sống trong nước mặn và cần một lượng nhỏ các dưỡng chất hóa học. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Joule, ông William J. Sims cho biết họ đang đưa những vi sinh vật này ra khu thực nghiệm để thử thách sức chịu đựng của chúng trước những biến đổi thời tiết.

Có nhiều công ty cũng đang theo đuổi phương pháp tạo ra nhiên liệu từ tảo ngâm trong nước được sục khí CO2 và hấp thụ ánh sáng mặt trời. Tảo sẽ sản xuất ra chất béo và được ép để thu dầu bằng một phương pháp ít tốn kém năng lượng. Quy trình này vẫn chưa được ứng dụng ngoài thị trường.

Trái lại Joule cho biết các vi sinh vật bài tiết ra dầu và vẫn tiếp tục sống. Nhiên liệu điezen tạo ra cũng dễ thu gom hơn bởi nó nhẹ hơn nước và không hòa tan. Ethanol cần được chưng cất để tách khỏi nước nhưng công nghệ này hiện đã rất phổ biến.

Mặc dù công nghệ tạo nhiên liệu từ vi sinh vật vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu nhưng hệ thống của Joule mới đây đã được Tạp chí Công nghệ của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) công nhận là một trong mười công nghệ có triển vọng nhất.

cell1lrg.jpg

Thí điểm tại vùng Leander bang Texas dự định sẽ được tiến hành vào tháng 6 năm nay. Ông Sims cho biết mỗi loại vi sinh vật thải ra một chất hóa học khác nhau. Các tế bào sẽ ăn, tái tạo và bài tiết. Nước chảy qua hệ thống nuôi tảo sẽ dẫn nhiên liệu hidrocacbon tới chỗ để chia tách. Sau khoảng 8 tuần, các kỹ sư sẽ làm sạch hệ thống và bắt đầu một lứa mới.

Hiện tại, khí CO2 vẫn phải được chở đến nơi thí điểm nhưng trong dài hạn, công ty sẽ đặt khu vực nuôi vi sinh vật gần một nhà máy điện chạy than hoặc khí tự nhiên để dễ dàng thu khí CO2. Hơn nữa nếu có một trần khí thải được áp dụng thì các nhà máy sản xuất điện còn phải trả tiền cho hệ thống nhiên liệu từ sinh vật để họ thu gom khí này.

Công ty ước tính sẽ thu được khoảng 200 000 lít ethanol trên mỗi hecta nuôi vi sinh vật hàng năm. Con số này lớn hơn nhiều lần sản lượng thu được từ gỗ thải hoặc sinh khối. Joule hi vọng có thể đưa công nghệ này ra thị trường vào năm 2012.

Hồng Nhung (theo nytimes.com)