Sunday, 17/11/2024 | 23:17 GMT+7

Sống xanh cùng nhiên liệu xanh

31/05/2010

Việt Nam được xếp vào tốp 10 nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy, nước ta có nguồn nông phụ phẩm rất phong phú và dồi dào. Và nếu nguồn nông phụ phẩm này được tận dụng để sản xuất nhiên liệu xanh thì đây sẽ lời giải hiệu quả nhất cho việc giảm thiểu ô nhiễm khí thải ở nước ta.

Trên thực tế, nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp đã và đang ứng dụng sản xuất nhiên liệu sạch tại một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cụ thể như sử dụng trấu để trộn với plastic làm củi đốt hoặc sản xuất điện, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, đủ để cung cấp cho một vài hộ gia đình. Còn để tận dụng nguồn nguyên liệu này chưng cất ra cồn làm nhiên liệu sinh học phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp và giao thông thì cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

 

Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã thử nghiệm sản xuất nhiên liệu sạch từ phế phụ phẩm nông sản nhưng chỉ mới thành công trong phòng thí nghiệm.

 

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, việc sản xuất thành công nhiên liệu sạch từ phế phụ phẩm nông sản sẽ mở ra tiềm năng lớn cho nước ta trong việc phát triển nhiên liệu sạch. Sở dĩ, có thể khẳng định đây là tiềm năng lớn vì một lẽ nguồn nguyên liệu sản xuất nhiên liệu này đã có sẵn, dồi dào sau khi sản phẩm chính là hạt gạo đã được sử dụng hiệu quả.


 song xanh.jpg


Quan trọng hơn, việc tận dụng nguồn nguyên liệu này sẽ cho ra loại nhiên liệu sạch, giá rẻ, đủ sức để cạnh tranh được với giá thành nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện hữu. Còn đối với các loại nhiên liệu sạch được sản xuất từ các nguyên liệu khác như dầu mè, đậu nành, jatropha… phải tốn diện tích đất để trồng nên chi phí cao hơn.

 

Trong khi đó, việc quy hoạch vùng để trồng nguồn nguyên liệu này tại các địa phương hiện gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, giá thành sản xuất nhiên liệu sạch từ các loại cây trên nếu không đi kèm chính sách trợ giá của Chính phủ thì khó tồn tại mà chính sách này thì cho đến nay nước ta vẫn chưa có.

 

Chương trình phát triển Liên hiệp quốc vừa xếp TPHCM và Hà Nội vào tốp 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân là do lượng phương tiện tham gia giao thông cá nhân tăng nhanh. Hơn nữa, 99% phương tiện này đều sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.

 

Tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm đã và đang khiến cho môi trường không khí tại hai thành phố trên ô nhiễm lại càng nghiêm trọng hơn. Vận động người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng cũng được xem là giải pháp hiệu quả nhất nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí.

 

Tuy nhiên, cách làm này vẫn chưa phát huy được hiệu quả do phương tiện công cộng chưa đủ sức cạnh tranh và hấp dẫn người dân. Do vậy, việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ để sản xuất nhiên liệu sạch từ nguồn nông phế phẩm là tín hiệu đáng mừng.

 

Đây sẽ là tiền đề để người dân, nhất là người nông dân Việt Nam, có thể tăng thêm lợi nhuận từ việc sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Về phía Chính phủ cũng sẽ cắt giảm đáng kể chi phí cải thiện môi trường, thậm chí tăng thu cho ngân sách nhờ bán chứng chỉ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

 


Theo SGGP