Saturday, 23/11/2024 | 08:11 GMT+7
Giáo sư Ali Al Sayigh, chủ tịch hội đồng quản trị Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới và giám đốc điều hành Hiệp hội các quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo thế giới đã tuyên bố: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dự tính sẽ sử dụng nguồn tái tạo để đáp ứng cho khoảng 30% nhu cầu năng lượng tới năm 2030.
Năm ngày hội nghị về năng lượng tái tạo do Cơ quan năng lượng Abu Dhabi (EDA) và Mạng năng lượng tái tạo thế giới WREN tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của khoảng 600 học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia từ 92 nước trên thế giới. Trong một phát biểu với tờ Khaleejtimes (Ấn Độ) ông Al Sayigh nói “Tại UAE, chúng tôi tin tưởng công ty năng lượng Masdar sẽ có khả năng đối phó với các vấn đề về năng lượng tái tạo. Dự án của Masdar sẽ mở đường cho thế giới. Tôi dự đoán trong vòng 10 năm tới, tất cả các quốc gia khác sẽ đi theo con đường mà chúng tôi đã vạch ra”.
“Điều này, một lần nữa, lại phụ thuộc vào chính những thành viên UAE. UAE có thể đạt được mức 50% tới năm 2030. Nhưng những dự đoán chung cho cả thế giới là khoảng 30%. Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2030, công nghệ năng lượng tái tạo sẽ có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu về điện năng của chúng tôi. Tôi rất chắc chắn rằng UAE có thể đạt được mục tiêu này và nó sẽ còn tiến xa hơn nữa, đặc biệt là ở những vùng có nhiều gió và bức xạ mặt trời hơn châu Âu. Đất khô cằn ở những nơi này cũng nhiều gấp 3 lần. Một lượng lớn chi phí sẽ được đầu tư thông qua Masdar để đẩy nhanh tiến độ dự án ở đây. Họ có tiền và có trí tuệ, vì thế họ sẽ đạt được mục tiêu”.
Trả lời câu hỏi về đầu tư cho dự án xanh, ông Al Sayigh nói rằng việc đầu tư sẽ rất thú vị, bởi UAE sẽ chỉ đầu tư nếu họ thực sự muốn thế. “Ở đây, chúng tôi không đòi hỏi họ đầu tư vào công nghệ xanh. Chúng tôi muốn họ thực hiện và ứng dụng nó. Chúng tôi cũng không đề cập đến việc cần bao nhiêu tỉ mà kể tới bạn sẽ cứu được bao nhiêu người chết yểu”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Pradeep Chaturvedi, chủ tịch Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học (Ấn Độ) tại New Delhi cho biết mức tiêu thụ năng lượng tại các nước đang phát triển đang trở thành những thách thức lớn về môi trường. Đến năm 2030, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ cao hơn 40% so với năm 2007. Khoảng 90% trong số này đến từ các quốc gia không là thành viên của Tổ Chức hợp tác kinh tế và phát triển, và nhu cầu năng lượng của những nước này sẽ tăng từ 52% lên 63%.
Lê My (theo khaleejtimes.com)