Tuesday, 24/12/2024 | 01:06 GMT+7

Mô hình trồng dưa lưới tiết kiệm điện ở Trà Vinh

12/07/2022

Nhờ áp dụng công nghệ tưới tự động, mô hình trồng dưa lưới của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã giảm chi phí tiền điện từ 1 triệu đồng/ 1.000m2/ vụ xuống còn 400.000 đồng/1000m2/vụ.

Hiện nay, trong điều kiện vật tư nông nghiệp tăng, chi phí sản xuất lớn; người tiêu dùng ngày càng khó tính, nông dân sản xuất hướng đến thực hiện quy trình nông sản sạch. Do vậy, HTX nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải đã và đang áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tưới tự động, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm điện, tạo hiệu quả.

Bà Lâm Thị Thân Thương - lao động được được HTX nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa thuê thực hiện chăm sóc dưa lưới (Ảnh: Báo Trà Vinh)
Được biết, mô hình tưới tự động do Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh hỗ trợ. Mô hình trồng dưa trong nhà lưới có màng phủ nhằm ngăn cỏ dại, lót phủ bạt theo luống trồng. Phía trên nhà lưới lắp đặt hệ thống tưới phun sương, vừa cung cấp đủ nước cho cây, vừa duy trì độ ẩm trong khu vực trồng. Toàn bộ nước tưới sử dụng cho dưa đều là nước giếng khoan được bơm tự động lên bồn chứa, có hệ thống lọc và ống dẫn về trung tâm tưới, đảm bảo nguồn nước sạch, đạt chuẩn an toàn.
Dưa lưới được trồng trong nhà có điểm khác biệt nổi bật hơn so với dưa lưới trồng ngoài vườn, ngoài ruộng là hướng mọc sẽ thẳng đứng, giúp tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, trong thời kỳ sinh trưởng, dưa lưới được tưới nước thường xuyên và người trồng có thể chủ động điều chỉnh giảm phân và nước tưới trong giai đoạn cận thu hoạch, đây là công nhằm tăng độ ngọt cho quả.
Nhờ áp dụng công nghệ cao và dưa được trồng trong nhà lưới, cách ly sự xâm nhập của côn trùng, sâu bệnh; phun tưới theo quy trình tự động, khép kín; khâu chăm sóc thu hoạch đạt chuẩn, trái dưa của HTX nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa đạt trọng lượng quả sau thu hoạch từ 1,5 - 1,7kg, cho chất lượng ngọt hơn. Hiện dưa lưới của HTX được bao tiêu giá 40.000 đồng/kg.
Để giảm lượng nước tưới, ông Lâm Minh Thiện, Giám đốc HTX cho biết: Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh, đất trồng dưa lưới cần tơi xốp và cần tưới nước thường xuyên, nhưng đúng hướng dẫn; chúng tôi sử dụng thêm các loại phân hữu cơ như: phân trùn quế, phân chuồng hoai mục... để bổ sung dinh dưỡng cho cây và tăng độ ngọt tự nhiên cho trái. Đặc biệt, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp người tiêu dùng có những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nhất.
"Tính từ ngày xuống giống dưa lưới đến kết thúc thu hoạch khoảng 75 ngày. Theo các cán bộ kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ, trong thời gian này nếu không nếu không tuân thủ quy trình tưới phun tự động, chi phí tiền điện có thể lên đến 1 triệu đồng/ 1.000m2/ vụ. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ cao tưới tự động, tổng tiền điện bơm nước chỉ còn 400.000 đồng/1000m2/vụ." -  ông Lâm Minh Thiện thông tin thêm.
Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của HTX nông nghiệp, thủy sản Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần cho sự phát triển của tỉnh Trà Vinh.
Tố Quyên