Thursday, 09/01/2025 | 09:49 GMT+7

Dự án điện gió Bạc Liêu: Những bước đi tích cực

01/03/2012

Được khởi công vào cuối năm 2010, tính đến thời điểm này, dự án điện gió Bạc Liêu đã có những bước đi rất tích cực nhằm chuẩn bị cho thời điểm chính thức vận hành đang đến rất gần.

Được khởi công vào cuối năm 2010, tính đến thời điểm này, dự án điện gió Bạc Liêu đã có những bước đi rất tích cực nhằm chuẩn bị cho thời điểm chính thức vận hành đang đến rất gần.

Theo đại diện chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và dịch vụ Công Lý: Tính đến thời điểm này, dự án điện gió Bạc Liêu đã lắp đặt hoàn thiện được 1 turbine gió công suất 1,6MW, đang chuẩn bị lắp dựng thêm 4 turbine gió trong tháng 3/2012 và 5 turbine còn lại giai đoạn 1 dự án vào cuối tháng 4/2012, một số hạng mục hạ tầng đấu nối điện như: Đường dây 110kV, trạm biến áp 22/110kV, đường dây và trạm 22kV cũng đang triển khai thi công khẩn trương, phấn đấu kết thúc giai đoạn 1 dự án hòa vào lưới điện quốc gia như kế hoạch đề ra tháng 6/2012.

6cdef9793_lapdatbaclieu.jpg
Một cột tuabin gió đã hoàn thành.

Cùng với những nỗ lực của toàn thể CBCNV công ty trong việc nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, nhận thức được tầm quan trọng cũng như vai trò lớn của dự án này trong tương lai không chỉ với Bạc Liêu mà còn cả với Việt Nam, nhiều khoản tín dụng ưu đãi đã được các ngân hàng ưu tiên dành cho dự án này. Cụ thể, cuối năm 2011, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US Eximbank) đã ký thư cam kết với hạn mức 1 tỷ USD nhằm tài trợ cho Trung tâm điện gió khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015. Dự án đầu tiên được triển khai tại khu vực này chính là là dự án điện gió Bạc Liêu với tổng mức vốn hơn 200 triệu USD. Cùng với điện gió Bạc Liêu, thời gian tới, dự kiến khu vực điện gió ĐBSCL sẽ được hỗ trợ thêm 500 triệu USD để đạt được con số 300 cột điện gió vào năm 2014.

Nằm cách TP.HCM 200km về phía Tây Nam, trang trại Nhà máy điện gió Bạc Liêu được xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất 99MW, bao gồm 66 turbine gió có công suất 1,5MW/turbine được đặt dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng; 1 trạm biến áp 22/110kV-2 x 60MVA và đường dây 110kV với 2 mạch dài để đấu nối với lưới điện quốc gia. Dự kiến, dự án sẽ đi vào vận hành sau khi được khởi công 24 tháng (khoảng cuối năm 2012). Dự án được đánh giá sẽ đặt nền móng cho việc khai thác có hiệu quả tiềm năng phong điện tại khu vực này. Ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH xây dựng - du lịch Công Lý cho biết, dự án không chỉ góp phần giúp vùng ĐBSCL thoát khỏi tình trạng thiếu điện trầm trọng, mà còn giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do kết hợp được với các dự án về du lịch sinh thái cũng như nuôi trồng thủy sản, đồng thời giải quyết một phần công ăn việc làm cho người lao động và giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh Bạc Liêu.

Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo mới, xanh - sạch lại không chiếm diện tích lớn như nhiệt điện hay thủy điện. Sự ra đời của các dự án mang tính đột phá trong khai thác điện gió tại vùng ĐBSCL nói chung và dự án điện gió Bạc Liêu nói riêng đã chứng minh mối quan tâm lớn của Chính phủ, địa phương, DN trong khai thác nguồn năng lượng này. Cùng với sự “vào cuộc” của các DN, Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực trong việc hỗ trợ phát triển điện gió. Cụ thể, cuối tháng 6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Cụ thể, Chính phủ đã hỗ trợ giá điện gió là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 7,8 cent Mỹ/kWh) và giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Bên cạnh đó, trong Tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo cũng sẽ được tăng lên ở mức không đáng kể hiện nay lên 5,6% vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030.

Trong hoàn cảnh điện năng đang thiếu hụt như hiện nay, việc các DN “rót” vốn đầu tư vào các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện sạch như điện gió Bạc Liêu là một động thái tích cực, không chỉ khẳng định tương lai cho ngành điện nói chung mà còn khẳng định tương lai của loại năng lượng sạch nhưng khá đắt đỏ này. Riêng với dự án điện gió Bạc Liêu, những công việc đang được triển khai tích cực để đến cuối năm 2012, những dòng điện gió đầu tiên sẽ chảy về lưới điện quốc gia, phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân tại khu vực “vựa lúa” của cả nước.

Theo Ven.vn