Friday, 15/11/2024 | 17:02 GMT+7

Vinacomin tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí

02/10/2013

Hiện nay, việc tiết kiệm năng lượng được xem là một giải pháp hữu hiệu nhất giúp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vượt qua khó khăn.

Hiện nay, việc tiết kiệm năng lượng được xem là một giải pháp hữu hiệu nhất giúp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vượt qua khó khăn. Trên thực tế, Vinacomin đã có nhiều giải pháp góp phần giảm chi phí sản xuất, trong đó tiết kiệm điện năng được xem như giải pháp có hiệu quả hơn cả.

Hiệu quả cao

Với hàng ngàn cỗ máy có công suất tiêu thụ điện lớn, từ trong các hầm mỏ đến các khai trường khai thác, sàng tuyển, vận tải và tiêu thụ than… mỗi năm, Vinacomin tiêu thụ hàng trăm triệu kWh điện, tương đương hàng trăm tỉ đồng. Đây là con số thực tế mà Vinacomin đang chi phí cho sản xuất. Thạc sĩ Vũ Thế Nam, Viện Khoa học Công nghệ mỏ (Vinacomin) cho biết: Với điện năng tiêu thụ cho khối sản xuất than hầm lò như hiện nay thì giải pháp tiết kiệm có thể tiết kiệm khoảng từ 6 đến 15%.

21fd8bc14_tiet_kiem.jpg

Lắp đặt thiết bị biến tần tiết kiệm điện năng tại Công ty CP than Hà Lầm

Theo tính toán, với điện năng tiêu thụ cho riêng khối sản xuất than hầm lò hiện nay là khoảng gần 300 triệu kWh/năm. Nếu áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, riêng khối sản xuất hầm lò này đã có thể tiết kiệm 6-14,7% tổng điện năng tiêu thụ, tức khoảng 28,5 triệu kWh/năm, tương đương 25,7 tỉ đồng/năm. Việc làm này còn giảm được chi phí nâng công suất của các nhà máy điện, giảm phát thải 16.000 tấn khí CO2/năm ra môi trường. Đặc biệt, với việc ngành than tiến tới sẽ dần hạn chế khai thác các mỏ than lộ thiên, tập trung vào than hầm lò, thì việc tiết kiệm điện năng của khối sản xuất than hầm lò, sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ cho ngành.

Còn với khối khai thác lộ thiên, khối lượng điện năng tiêu thụ lên đến 160 triệu kWh/năm, các đơn vị sản xuất than lộ thiên cũng có thể tiết kiệm khoảng 11 triệu kWh/năm, tương đương hơn 10 tỉ đồng/năm. Đồng thời, với khoảng 180 triệu lít dầu/năm phục vụ sản xuất của các loại xe máy, mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 22,5 tỉ đồng, đưa tổng chi phí tiết kiệm lên khoảng 32,66 tỉ đồng/năm. Việc tiết kiệm này còn giảm phát thải 6.174,7 tấn khí CO2/năm ra môi trường. Do vậy, tiết kiệm trong sản xuất, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng, không chỉ có ý nghĩa với Vinacomin mà còn có ý nghĩa sâu sắc đến công tác bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế nói chung.

Đầu tư chuyên sâu

Trên thực tế, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, đồng thời nhận thức rõ được vai trò quan trọng của việc tiết kiệm trong sản xuất, các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn đã triển khai hàng loạt các giải pháp về tổ chức điều hành, cũng như đầu tư các thiết bị tiết kiệm năng lượng, trong đó điện năng là trọng tâm. Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư Vũ Thành Lâm, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, các giải pháp khoa học kỹ thuật được Vinacomin áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như: Về điện năng, Vinacomin chỉ đạo các đơn vị áp dụng hệ thống thiết bị băng tải, máng cào trong lò sử dụng khởi động mềm, tiết kiệm điện năng 2,5%.

Đến nay, gần như tất cả các đơn vị sản xuất than đều đầu tư lắp đặt biến tần cho các động cơ điện, điển hình là các đơn vị như: Công ty CP Than Hà Lầm, Vàng Danh, Cọc Sáu, Công ty Tuyển than Cửa Ông, Công ty Tuyển than Hòn Gai là các đơn vị có những dự án đầu tư lắp đặt biến tần, khởi động mềm với quy mô lớn. Hiện nay, toàn khối sản xuất than đã có 355 bộ biến tần, với tổng công suất lắp là 20.263kW và 233 bộ khởi động mềm, với công suất lắp là 26.049kW. Trong đó, phần lớn các thiết bị có công suất lớn như bơm moong lộ thiên, quạt gió chính và bơm thoát nước trong hầm lò đã được lắp khởi động mềm trung thế ngoài mặt bằng và khởi động mềm trung thế phòng nổ như Công ty Than Quang Hanh, Mông Dương, Mạo Khê…

Ngoài ra, Vinacomin chỉ đạo các đơn vị hạn chế vận hành các trạm bơm nước vào giờ cao điểm, ưu tiên vận hành bơm nước vào giờ thấp điểm, ưu tiên vận hành bơm nước vào giờ thấp điểm. Tổ chức sản xuất để sử dụng hợp lý năng suất thiết bị vận tải như: băng tải, máng cào nhằm giảm thiểu thời gian chạy không tải của các thiết bị này. Lắp đặt hệ thống giám sát quản lý điện năng tại các đơn vị sản xuất than. Nhiều đơn vị đã được Viện Khoa học Công nghệ mỏ thiết kế xây dựng hệ thống giám sát quản lý điện năng cho mỏ than hầm lò và đã triển khai lắp đặt mang lại hiệu quả cao. Hệ thống có khả năng theo dõi, giám sát nguồn điện và tải của hệ thống cung cấp điện, phát hiện chuẩn đoán sớm giúp thủ tiêu kịp thời tình trạng tiêu thụ điện bất hợp lý và các nguyên nhân gây sự cố trong hệ thống, hỗ trợ tối đa trong quản lý đưa ra các biện pháp khắc phục hợp lý.

Theo đó, các giao diện của phần mềm giám sát bao gồm: giám sát, cảnh báo, phân tích, tạo bảng giá, xuất hóa đơn, gửi thư điện tử và theo dõi thông qua trang web trên Internet có thể truy cập theo dõi ở bất kỳ đâu. Các đơn vị cũng lắp đặt hệ thống giám sát quản lý đến cụm thiết bị, từng thiết bị tiêu thụ điện cụ thể của từng phân xưởng, qua đó can thiệp kịp thời khi có thấy tình trạng tiêu thụ điện của thiết bị đó bất thường, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân bất thường đó như chế độ bảo dưỡng thiết bị chưa hợp lý, ma sát, rò rỉ hơi nhiệt... “Đây được xem là những giải pháp hữu hiệu góp phần giúp Vinacomin vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay” - ông Lâm nói.

Theo PetroTimes