Monday, 23/12/2024 | 17:02 GMT+7

Tiết kiệm điện trong ngành công nghiệp chế biến lúa gạo

07/03/2023

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ngành chế biến gạo là rất lớn, từ 10-20%. Do đó vấn đề tiết kiệm năng lượng trong ngành này ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Công nghệ và con người - yếu tố quyết định
Chế biến gạo là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh Đồng Tháp. Toàn tỉnh hiện có 232 doanh nghiệp (DN) xay xát và lau bóng gạo (tập trung nhiều ở các huyện phía Nam sông Tiền gồm: TP Sa Đéc, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung).
Hệ thống lau bóng gạo là một trong những thiết bị tiêu tốn điện năng rất lớn (Ảnh: sokhcn.vinhphuc.gov.vn)
Với năng lực chế biến hơn 3 triệu tấn/năm, sản lượng điện tiêu thụ để phục vụ cho chế biến gạo lên đến hơn 250 triệu kWh (năm 2020), chiếm hơn 10% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh, chủ yếu điện được sử dụng trong công đoạn xay xát và lau bóng. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào trong sản xuất chưa được DN quan tâm đúng mức nên hiệu quả tiết kiệm điện chưa cao.
Cụ thể, theo khảo sát của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp cho thấy, định mức tiêu hao điện của dây chuyền xay xát từ 16,6 - 22,0 kWh/tấn gạo lứt, trung bình là 19,8kWh/tấn gạo lứt. Đối với dây chuyền lau bóng gạo định mức tiêu hao điện từ 53,3 - 70 kWh/tấn gạo trắng, trung bình là 61,5 kWh/tấn gạo trắng.
Ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng - TTKC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: "Sự chênh lệch lớn về định mức tiêu hao điện giữa các nhà máy do các nguyên nhân chính: sự khác nhau về công nghệ và tuổi thọ thiết bị; chế độ bảo trì bảo dưỡng thiết bị; kỹ thuật vận hành máy của công nhân; mức độ áp dụng các giả
Việc thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào trong sản xuất tại các DN ngành chế biến gạo còn nhiều hạn chế, do các nguyên nhân như trình độ chuyên môn cán bộ kỹ thuật và công nhân thấp; mức độ quan tâm của DN đến việc thực hiện tiết kiệm năng lượng chưa cao; thiếu thông tin về các giải pháp tiết kiệm năng lượng và hạn chế về tài chính.
Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình áp dụng cho ngành này bao gồm: xây dựng mô hình quản lý năng lượng; hạn chế vận hành giờ cao điểm và tận dụng giờ thấp điểm; định kỳ vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; nâng cao hiệu quả hoạt động máy bóc vỏ và sử dụng máy bóc vỏ tích hợp biến tần; tắt giảm gàu tải hoạt động không cần thiết; điều chỉnh lưu lượng quạt hút cám, quạt sấy phù hợp; nâng cao hiệu quả quản lý vận hành máy xát trắng và máy lau bóng; sử dụng động cơ công suất phù hợp và hiệu suất cao; sử dụng máy nén khí tích hợp biến tần; lắp đặt điện năng lượng mặt trời.
Điểm sáng về tiết kiệm năng lượng
Gần đây, các nhà máy có quy mô sản xuất lớn đã mạnh dạn thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào trong sản xuất, qua đó giúp tiết kiệm điện năng sử dụng, giúp giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH MTV Ngọc Đông III - ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (DN xay xát gạo), việc đầu tư mới trang thiết bị, bố trí sắp xếp vận hành, tắt giảm những cụm thiết bị hoạt động không cần thiết đã giúp DN giảm lượng điện tiêu hao trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nam – quản lý nhà máy Công ty TNHH MTV Ngọc Đông III cho biết: "Với năng lực xay xát 25 tấn lúa/giờ, công suất sấy 500 tấn lúa/ngày, lượng điện phải mua để phục vụ sản xuất, nhất là những lúc cao điểm mùa vụ rất lớn. Tuy nhiên, từ khi đầu tư mới một số trang thiết bị, đánh giá mức tiêu hao chi tiết ở từng công đoạn đã giúp DN giảm được một lượng điện năng rất lớn trong sản xuất, từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất".
Hay tại Công ty TNHH Sản xuất Ngọc Đông - ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, để giảm tiêu hao điện năng, công ty đã đầu tư từng cụm thiết bị có động cơ riêng, công suất phù hợp với tải. Với sự cải tiến này không chỉ giúp giảm tiêu hao điện mà còn thuận lợi cho vận hành, quan trọng hơn là đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất...
Không chỉ riêng Đồng Tháp, trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất lúa gạo tại Vĩnh Long cũng đã đầu tư dây chuyền chế biến công nghệ cao để tiết kiệm năng lượng. Điển hình như Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Nhiều dây chuyền chế biến công nghệ cao đã được Công ty Lương thực Vĩnh Long đầu tư nhằm tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng (Ảnh: EVN)
Việc Công ty mạnh dạn đầu tư nhiều dây chuyền chế biến lúa, gạo như: Dây chuyền sấy lúa, dây chuyền máy xay lúa, dây chuyền xát trắng lau bóng, dây chuyền ép viên trấu,… là việc làm thành công của công ty trong việc tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, công ty thường xuyên hạn chế tối đa sản xuất vào giờ cao điểm, tăng cường hoạt động sản xuất giờ thấp điểm để tiết kiệm năng lượng điện, vì nếu sản xuất vào giờ cao điểm năng lượng điện tiêu thụ của các thiết bị sẽ tăng do lưới điện cung cấp dễ bị sụt áp, đồng thời giá điện sản xuất vào giờ cao điểm cũng rất cao. Vì vậy, công ty đã đầu tư lắp đặt thùng chứa để đảm bảo cho dây chuyền có thể hoạt động liên tục vào giờ thấp điểm tránh tồn đọng nguyên liệu vào mùa vụ.
Ngoài việc tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, công ty cũng đã tận dụng nguồn sáng và thông gió tự nhiên bằng cách lắp đặt các cửa sổ di động trên mái kho để hạn chế tối đa sử dụng các đèn chiếu sáng và quạt thông gió.
Minh Khuê