Tuesday, 26/11/2024 | 03:10 GMT+7

Doanh nghiệp đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, từng bước tham gia vào nền kinh tế xanh

10/11/2022

Để giữ chân người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng và từng bước tham gia vào nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trên thế giới đã chú trọng chọn lựa những sản phẩm sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Do đó, để giữ chân người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điển hình như Công ty TNHH UPM Việt Nam - thành viên của Tập đoàn UPM (Phần Lan), đơn vị chuyên cung cấp các loại tem nhãn cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu đến các thị trường châu Âu, châu Á. Trước đó, doanh nghiệp sản xuất ra nhựa từ dầu thô, nhưng gần đây đã chuyển sang dùng gỗ rừng trồng để sản xuất nhựa nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Đoan Thanh - Giám đốc Công ty TNHH UPM Việt Nam cho biết: “Những năm gần đây, người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường nên công ty đã đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng các nguyên liệu tái chế. Tập đoàn UPM đã có lộ trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, UPM hạn chế sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguyên liệu ít gây hại cho môi trường”.
Không chỉ riêng UPM, tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại và hướng đến sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh như: Bosch, CP, Nestlé, Schaeffler, Ajinomoto, Kaneko, Nok…
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Nestle Việt Nam (Ảnh: Chí Cường) 
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam khẳng định: “Cam kết của Nestlé là luôn nỗ lực thực hiện các hành động tạo ra tác động tích cực đối với 3 lĩnh vực: cá nhân, gia đình; cộng đồng và hành tinh. Đặc biệt, nông nghiệp tái sinh có tầm quan trọng rất lớn như một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và phục hồi hệ sinh thái”.
Là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn cho nhiều doanh nghiệp khác để phát triển bền vững tại Việt Nam. Do đó, năm 2021, Nestlé Việt Nam đã được vinh danh là doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với 31 khu công nghiệp đang hoạt với gần 2 ngàn dự án, gần 4 ngàn doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng Nai hiện là địa phương có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước. Đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất hiện đại của các tập đoàn nước ngoài, đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch của cả nước. 
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Đa số các nhà máy của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đều đang thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm dần khí thải để từng bước tham gia vào chuyển đổi xanh. Do đó, các sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng trên thế giới”.
Tiết kiệm năng lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hành tiết kiệm năng lượng, từng bước tham gia vào sản xuất xanh, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch thay đổi dần những máy móc có công nghệ lạc hậu sang máy móc công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động và góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, nhiều nhãn hàng trên thế giới đã đưa ra lộ trình và cam kết sẽ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm khí thải. Theo đó, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của từng ngành hàng phải tham gia vào chương trình này để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường.
Trong quá trình cạnh tranh để giữ chân khách hàng truyền thống và tìm thêm những đối tác mới, doanh nghiệp nào nhanh chân đầu tư công nghệ hiện đại, có lộ trình rõ ràng trong sử dụng tiết kiệm năng lượng, dùng năng lượng xanh sẽ được các tập đoàn ưu ái hơn trong lựa chọn ký kết đơn hàng.
Hơn 200 nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới đã có cam kết thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường để chống biến đổi khí hậu. Vì thế, họ đòi hỏi các nhà máy gia công, hợp tác với mình cũng phải lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế. doanh nghiệp dệt may sớm tham gia vào chương trình trên sẽ giữ chân được các nhãn hàng thời trang và có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất và phát triển” Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.
Giải pháp căn cơ cho các doanh nghiệp
Đứng trước những vấn đề nhức nhối về năng lượng và an ninh năng lượng, bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí đánh giá “doanh nghiệp xanh” với các yêu cầu khắt khe về việc sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng dụng năng lượng xanh trong sản xuất nhằm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và giảm lượng phát thải CO2. 
Do đó, giải pháp giúp các doanh nghiệp tiến gần hơn đến các mục tiêu tiết kiệm năng lượng là cần phối hợp giữa nhiệm vụ đổi mới công nghệ với  quản lý năng lượng và nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên trong việc sử dụng năng lượng.
Cụ thể, để tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp cần kết hợp với việc áp dụng tự động hóa quá trình sản xuất, ứng dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại trong sản xuất nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng phát thải CO2. Đồng thời, lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao, bao gồm các động cơ, hệ thống chiếu sáng, máy bơm, các thiết bị nhiệt và thông gió. Sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện hoặc nhiên liệu trong các doanh nghiệp công nghiệp (điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hệ thống đồng phát, hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời…)
Ngoài ra, ứng dụng biến tần điều khiển tốc độ cho các động cơ trong nhà máy theo yêu cầu thực tế: đây là phương pháp đã được chứng minh khả năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong rất nhiều ứng dụng khác nhau như: máy nén khí, quạt lò hơi, máy nghiền, bơm… Đồng thời, áp dụng các công nghệ giúp đo đếm, phân tích, theo dõi và cảnh báo khi có sự cố gây rò rỉ hoặc hao tổn năng lượng, giúp nhà máy dễ dàng quản lý việc sử dụng điện.
ISO 50001:2011 đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc quản lý năng lượng (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý là việc áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý năng lượng trong sản xuất. Theo chuyên gia năng suất, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý năng lượng tại doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này đưa ra mô hình về một hệ thống quản lý năng lượng cùng các hướng dẫn sử dụng giúp doanh nghiệp có những giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát việc sử dụng năng lượng, đồng thời đảm bảo các nguồn năng lượng được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 còn giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chủ động kiểm soát chi phí năng lượng, giảm tác động khi giá năng lượng tăng; Có cơ sở dữ liệu ghi chép lại mức tiết kiệm để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp và trình các cơ quan quản lý nhà nước theo luật định. Đặc biệt, tạo hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch đối với công chúng, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nhập khẩu.
Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên trong việc sử dụng năng lượng cũng chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp sử dụng điện năng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Bởi lẽ, thói quen sử dụng điện lãng phí là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm không hiệu quả. Vì thế, để cải thiện tình trạng này, các doanh nghiệp nên lập ủy ban giám sát để hướng dẫn, đốc thúc, theo dõi và truyền thông liên tục nhằm tăng ý thức tiết kiệm năng lượng cho nhân công.
Đồng thời, tổ chức các cuộc thi và khen thưởng cho những cá nhân, tập thể sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhất. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp xử phạt cụ thể khi bắt gặp các trường hợp vi phạm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm soát và giảm lãng phí năng lượng một cách đáng kể.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, tăng khả năng hội nhập và phát triển, mà còn góp phần giúp ngành điện lực chống quá tải, giảm bớt áp lực cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Tố Quyên