Friday, 22/11/2024 | 21:41 GMT+7
Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 yêu cầu cả nước phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Trước những khó khăn và thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của nước ta được dự báo tăng từ 10 đến 12% mỗi năm. Có thể nói đây là áp lực cực lớn đối với ngành điện khi các nguồn năng lượng truyền thống đã được khai thác tối đa. Sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, thúc đẩy hiệu suất năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện là giải pháp cần được ưu tiên.
Sự gia tăng các sản phẩm dán nhãn năng lượng với hiệu suất năng lượng cao hơn trong những năm gần đây phù hợp xu hướng tiêu dùng thông minh tại các nước công nghiệp phát triển và định hướng sản xuất - tiêu dùng bền vững Việt Nam. Đặc biệt, lộ trình dãn nhãn năng lượng, chuyển đổi thị trường sản phẩm hiệu suất năng lượng cao là hoạt động quan trọng của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Chuyển đổi mạnh mẽ thị trường
Chương trình dán nhãn năng lượng được bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện đối với sản phẩm đèn chiếu sáng và bình đun nươc nóng, sau đó bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 với một số phương tiện, thiết bị. Nhãn năng lượng giúp phân loại các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Chương trình được thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất này là căn cứ để các doanh nghiệp thực hiện công bố hiệu suất năng lượng trên các phương tiện thiết bị, sản phẩm khi lưu hành trên thị trường.
Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực như nâng cao nhận thức cho người dân nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng, góp phần loại bớt dần các thiết bị hiệu quả thấp, tiêu tốn năng lượng, chuyển dịch thị trường sang các sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần giảm tiêu thụ điện… Có thể nói chương trình này đã tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ về hiệu suất năng lượng trên thị trường.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và PTBV, Bộ Công Thương: “Bộ Công Thương đã thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng với các mức năng lượng từ 1 sao đến 5 sao cho một số thiết bị tiêu thụ điện. Đặc biệt, từ năm 2020 thông qua Chương trình Giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất, Bộ Công Thương khuyến khích phát triển các sản phẩm đạt hiệu suất năng lượng mức trên 5 sao. Chương trình nhắm hướng đến các thiết bị có công nghệ cao nhất và tiết kiệm nhất, thông qua đó tạo ra xu hướng về chuyển dịch mạnh mẽ tiêu dùng các phương tiện thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất.”
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nhận định "Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất. Hoạt động Dán nhãn năng lượng đã được thực hiện từ lâu nhưng một Giải thưởng để tôn vinh các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất có ý nghĩa rất to lớn đối với cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì thế, sức lan toả của Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 là vô cùng to lớn".
Trước đây khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng thường chỉ quan tâm đến giá cả, thương hiệu, mẫu mã, nhưng nay họ đã quan tâm hơn đến các thông số về kỹ thuật, đặc biệt là mức tiêu thụ năng lượng để lựa chọn sản phẩm bởi điều này giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong mỗi gia đình. Nhờ vậy, lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt, điều hòa không khí, tủ lạnh… chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường. Chỉ riêng sản phẩm điều hòa, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng hơn 100 triệu kWh/năm.
Những doanh nghiệp tiên phong
Ngay từ khi chương trình dán nhãn năng lượng tự nguyệnđược Bộ Công Thương triển khai, Công ty Daikin Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tự nguyện thử nghiệm và dán nhãn năng lượng cho các dòng sản phẩm. Công ty luôn nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được các nhãn năng lượng ở mức cao nhất. Đây là chiến lược của công ty nhằm cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường.
Bà Lý Thị Phương Trang – Tổng Giám đốc Công ty Daikin Việt Nam cho biết, “Từ tháng 5/2016, Daikin đã triển khai dán nhãn cho 124 dòng sản phẩm máy điều hòa gia dụng của mình, trong đó, 79% đạt 5 sao, 5% đạt 4 sao. Trong những năm qua, Daikin vẫn không ngừng nâng cao tỷ lệ này bằng cách nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm mới theo hướng TKNL hơn, đủ tiêu chuẩn để dán các nhãn năng lượng ở mức cao nhất. Đây cũng là chiến lược của Công ty để cạnh tranh với các đối thủ.”
Tiết kiệm điện và nước cho các thiết bị điện là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới. Panasonic đã nghiên cứu và phát triển Công nghệ Inverter là công nghệ biến tần giúp kiểm soát công suất của thiết bị, tránh sự tiêu hao năng lượng không đáng có. Công nghệ này được ứng dụng nhiều trên các thiết bị điện gia dụng, giúp các thiết bị có thể giảm tiêu hao 20-30% năng lượng. Bên cạnh công nghệ Inverter hiệu suất cao, Panasonic cũng đẩy mạnh phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng ECONAVI. ECONAVI là công nghệ độc quyền của Panasonic giúp tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm máy giặt và tủ lạnh nhờ cảm biến thông minh.
Theo ông Kenji Terai – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam thì “Chương trình Dán nhãn Năng lượng của Bộ Công Thương thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, và Panasonic đã đồng ý với sáng kiến này và đăng ký tham gia. Panasonic đang phát triển các công nghệ tiết kiệm năng lượng khác nhau để bảo vệ môi trường toàn cầu và nâng cao lợi ích của khách hàng. Kết quả là 77 mẫu tủ lạnh đã được chứng nhận, 55% trong số đó đạt 5 sao và 45% đạt 4 sao. Đối với máy giặt, tất cả 98 model đã có thể nhận được 5 sao”
Chương trình dán nhãn năng lượng đã tạo được những thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao và TKNL. Xu hướng này không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện sử dụng mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của người dân. Dự báo, lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn sẽ có thể lên tới 30% vào năm 2030. Điều này khẳng định, Chương trình dán nhãn năng lượng và thúc đẩy sử dụng hiệu suất năng lượng cho thiết bị điện đã và đang được Bộ Công Thương triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Năm 2020, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 Giải thưởng vẫn thu hút đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị năng lượng tham gia (12 doanh nghiệp tham gia cuộc thi với tổng số 184 sản phẩm, 54 sản phẩm đạt giải). Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất góp phần lan tỏa và tôn vinh những sản phẩm có hiệu suất cao nhất, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm hiệu suất cao. Giải thưởng hiệu suất năng lượng sẽ được tổ chức thường niên, Bộ Công Thương đang lên kế hoạch triển khai hoạt động này cho năm 2021. Dự báo Giải thưởng năm 2021 sẽ là cuộc đua quyết liệt để khẳng định vị thế trên thị trường của các doanh nghiệp lớn. Trao giải Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 |
Doãn Tâm