Monday, 23/12/2024 | 07:39 GMT+7
Trong 25 năm qua, các chính phủ châu Âu đã khuyến khích người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường khi mua tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị gia dụng khác. Giờ đây, họ đang thắt chặt các yêu cầu về hiệu suất năng lượng để buộc các nhà sản xuất cải tiến sản phẩm và yêu cầu các nhãn năng lượng rõ ràng hơn.
Giảm tiêu thụ năng lượng hộ gia đình là điều cần thiết nếu các quốc gia muốn cắt giảm lượng phát thải carbon và đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Được biết hiện có hơn 120 quốc gia quy định hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị và yêu cầu dán nhãn hiệu quả năng lượng.
Nhãn năng lượng EU trên một thiết bị gia dụng. Ảnh: Shutterstock.
Việc ghi nhãn lần đầu tiên được Ủy ban Châu Âu (EU) quy định vào năm 1994 cho một số thiết bị. Hệ thống đánh giá hiệu suất năng lượng được sử dụng trên nhãn từ “G” kém nhất đến “A” tốt nhất. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, nhãn đã được đơn giản hóa với ba thang điểm A +, A ++ và A +++”. Điều này đã khiến người tiêu dùng bối rối.
Hiện việc dán nhãn nghiêm ngặt hơn nên rất ít sản phẩm ban đầu có thể đạt được xếp hạng “A” về hiệu quả năng lượng. Việc này, theo EU, là giúp mở rộng phạm vi phát triển thị trường cho các sản phẩm hiệu quả hơn trong tương lai.
Các xếp hạng mới này áp dụng cho các thiết bị bao gồm tủ lạnh và tủ đông, máy rửa bát, máy giặt, TV và màn hình, bóng đèn và đèn. Những năm tới xếp hạng sẽ dần được được mở rộng sang các sản phẩm khác. Đồng thời, EU cũng đã cấm các thiết bị kém hiệu quả năng lượng nhất.
Kết hợp với nhau, các nhãn năng lượng và các yêu cầu về hiệu suất tối thiểu sẽ tạo ra mức tiết kiệm năng lượng tương đương với mức tiêu thụ năng lượng tổng của Tây Ban Nha và Ba Lan.
Các biện pháp bổ sung bao gồm yêu cầu nhà sản xuất cung cấp phụ tùng thay thế trong vòng 10 năm sau khi thiết bị không còn được bán nữa, để khuyến khích mọi người sử dụng thiết bị hiệu quả lâu hơn.
Tại Vương quốc Anh, các tiêu chuẩn về dán nhãn và hiệu quả năng lượng của EU đã được thông qua trong luật.
Tháng trước, chính phủ Anh đã công bố kế hoạch về các biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị gia dụng và doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm ít tiêu thụ năng lượng và dễ sửa chữa hơn.
Bà Kadri Simson, Ủy viên phụ trách năng lượng EU, cho biết hoàn toàn tin tưởng rằng chế độ ghi nhãn mới sẽ giúp thay đổi hành vi người tiêu dùng. “Tôi luôn tin tưởng vào tác động của các chính sách và trong trường hợp này, chúng tôi có dữ liệu”. Bà cho biết một cuộc khảo sát toàn EU vào năm 2019 cho thấy 79% người tiêu dùng EU cho biết nhãn năng lượng đã ảnh hưởng quyết định mua hàng của họ.
Tuy nhiên, một số người cho rằng bằng chứng về tác động của nhãn đối với người tiêu dùng khá “mơ hồ”. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi các tiêu chuẩn tối thiểu về hiệu quả năng lượng cho sản phẩm gia dụng ít phổ biến.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp kết hợp nhãn năng lượng cho thiết bị gia dụng với các tiêu chuẩn tối thiểu bắt buộc về hiệu quả năng lượng có thể dẫn đến việc giảm đáng kể việc sử dụng năng lượng.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ở các quốc gia có chính sách lâu dài về mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu và xếp hạng năng lượng, các thiết bị thường tiêu thụ ít hơn 30% năng lượng so với trước đó.
Hiệu quả sử dụng năng lượng của các quốc gia. Nguồn: IEA.
Chuyên gia năng lượng Jan Rosenow khẳng định “nhãn năng lượng có ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Đồng thời sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với các quy định dần loại bỏ các thiết bị kém hiệu quả nhất ra khỏi thị trường. Chẳng hạn với bóng đèn. Người tiêu dùng đã chuyển dần từ đèn sợi đốt sang đèn huỳnh quang, compact, LED… và hiện giờ các loại đèn hiệu quả năng lượng đang chiếm lĩnh thị trường”.
Việc hợp nhất các tiêu chuẩn dán nhãn năng lượng quốc gia thành các tiêu chuẩn quốc tế có thể đẩy nhanh tiến độ sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn cầu.
Tại Hội nghị khí hậu COP26, 14 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Ấn Độ, Brazil và Nigeria, đã cam kết tăng gấp đôi hiệu suất năng lượng của bốn nhóm sản phẩm vào năm 2030. Các sản phẩm này. gồm hệ thống chiếu sáng, tủ lạnh, điều hòa không khí và động cơ công nghiệp, chiếm khoảng 40% lượng điện tiêu thụ toàn cầu.
Theo IEA, kết hợp các tiêu chuẩn ghi nhãn với các biện pháp khác, như trợ cấp hoặc ưu đãi thuế đối với các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, cũng sẽ tạo ra hiệu quả cao.
Các chuyên gia cho biết, sự phát triển về công nghệ, như thiết bị “thông minh” và dữ liệu sử dụng năng lượng, sẽ góp phần nâng cao nhận thức về hiệu quả sử dụng năng lượng của hộ gia đình và cắt giảm chi tiêu năng lượng. Chẳng hạn, một chiếc máy giặt thông minh có thể tự động khởi động khi nhận được tín hiệu từ lưới điện rằng chi phí năng lượng đang ở mức thấp nhất trong giờ thấp điểm.
Thanh Thanh (theo Financial Times)