Friday, 08/11/2024 | 22:40 GMT+7

Châu Á “khát” than

24/11/2010

Theo báo New York Times, tại châu Âu và Mỹ, than dường như đã qua thời hoàng kim khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh từ 5 năm trước, một phần do suy thoái kinh tế, một phần do những quy định khắc khe của luật môi trường, cũng như phụ thuộc vào khí tự nhiên và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, tại các cảng biển ở Mỹ, Canada, Australia, Indonesia, Colombia và Nam Phi, tàu xếp hàng “ăn” than để đưa sang châu Á gần như làm việc liên tục.

Trong khi những nước phát triển đóng cửa hoặc hạn chế các công trình xây dựng nhà máy năng lượng chạy bằng than vì lo ngại ô nhiễm môi trường, thì than vẫn tìm được một thị trường phát triển rộng lớn ở châu Á.

 

Theo báo New York Times, tại châu Âu và Mỹ, than dường như đã qua thời hoàng kim khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh từ 5 năm trước, một phần do suy thoái kinh tế, một phần do những quy định khắc khe của luật môi trường, cũng như phụ thuộc vào khí tự nhiên và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, tại các cảng biển ở Mỹ, Canada, Australia, Indonesia, Colombia và Nam Phi, tàu xếp hàng “ăn” than để đưa sang châu Á gần như làm việc liên tục.


 than1.jpg


Nếu như năm 2008 Ấn Độ nhập khẩu 36 triệu tấn than, thì năm 2009, nước này đã mua đến 60 triệu tấn than. Còn Trung Quốc, từng là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đến năm 2009, lần đầu tiên lượng than quốc gia này mua vào nhiều hơn bán ra.

 

Mặc dù có rất nhiều mỏ than, Trung Quốc vẫn nhập khẩu than bởi phần lớn sản phẩm than của họ chứa nhiều tạp chất. Cùng một lượng than được nhà máy điện sử dụng để đốt, than ở vùng Powder River Basin và vùng Wyoming của Mỹ ít sulfur hơn sẽ thải ra lượng khí thải ít hơn. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 2.714 tấn than sang Trung Quốc. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã là 2,9 triệu tấn.

 

Còn đối với Australia, doanh thu than xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã vọt lên 5,6 tỷ USD, trong khi giai đoạn từ 2008 đến 2009 chỉ đạt được khoảng 508 triệu USD. Hồi đầu năm, Công ty Resourcehouse của Australia đã ký một hợp đồng kỷ lục trị giá 60 tỷ USD với một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc - China Power International Development (CPI) - để cung cấp than cho các nhà máy điện Trung Quốc.

Đây là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất từ trước tới nay của Australia. Resourcehouse sẽ xây dựng một tổ hợp khai thác mới ở vùng xa xôi hẻo lánh của Australia để cung cấp cho CPI 30 triệu tấn than mỗi năm trong vòng 20 năm, bắt đầu từ năm 2013.

 

Ngoài Trung Quốc, Australia cũng tăng sản lượng xuất khẩu than sang những khách hàng truyền thống khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhu cầu về than của thị trường châu Á đã đẩy giá mặt hàng này tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Giá than đã tăng từ 40 USD lên 60 USD/tấn cách đây 5 năm, lên đến đỉnh điểm 200 USD/tấn trong năm 2008 và hiện nay là hơn 110 USD/tấn.

 

Phải chăng kinh doanh than đang dần tìm lại thời hoàng kim, trở lại là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận và tạo ra nhiều việc làm? Tuy nhiên, khi ngành thăm dò và khai thác than hồi sinh ở những nước có nhiều tiến bộ về cải thiện môi trường, thì cuộc xung đột giữa lợi ích môi trường và lợi ích thương mại cũng đang được khơi dậy.

 

Các tổ chức môi trường vẫn chất vấn tại sao luật môi trường chỉ siết chặt việc xây dựng các nhà máy điện mới chạy bằng than, mà lại không hạn chế sự ra đời của các mỏ than trong cùng một phạm vi? Các quy định môi trường chỉ hạn chế lượng khí thải ở nơi mà than được tiêu thụ, mà không quan tâm đến những nơi mà nó được khai thác. Do đó, cân bằng giữa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế mà ngành công nghiệp khai thác than có thể mang lại là điều mà các quốc gia sẽ phải nghiêm túc tính đến.

 

 Theo Sài Gòn Giải Phóng