Friday, 15/11/2024 | 08:38 GMT+7
Ngày 21/2, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã
phát động chiến lược kinh tế mới nhằm đảm bảo tương lai ổn định cho Trái Đất và
kêu gọi đầu tư 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 1.300 tỷ
USD mỗi năm, cho 10 lĩnh vực then chốt.
Trong báo cáo công bố tại hội nghị có sự góp mặt của hơn 100 bộ trưởng môi trường
tại thủ đô Nairobi của Kenia, UNEP nhấn mạnh mỗi năm thế giới cần đầu tư 350 tỷ
USD cho ngành năng lượng, 200 tỷ USD cho giao thông, hơn 100 tỷ cho quản lý nước
và rác thải và 134 tỷ USD lần lượt cho xây dựng và du lịch.
Mặc dù thừa nhận mô hình kinh tế xanh mới sẽ thách thức quyền lợi béo bở của một
số nhóm lợi ích cũng như ảnh hưởng đáng kể tới thị trường việc làm hiện nay,
song báo cáo của UNEP vẫn khẳng định mô hình kinh tế xanh mới sẽ giúp giảm bớt
tình trạng đói nghèo kinh niên ở nhiều nước, đồng thời hạn chế tối đa hành động
xâm hại của con người đối với hệ sinh thái tự nhiên.
Ngoài ra, chiến lược phát triển mới cũng hứa hẹn tạo ra sức tăng trưởng tương
đương, hoặc cao hơn so với mô hình phát triển truyền thống hiện nay, vốn được
cho là đang vắt kiệt mọi nguồn lực của Trái Đất.
Cùng với tăng trưởng cao, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ làm tăng thu
nhập bình quân tính theo đầu người cao hơn mô hình kinh tế hiện nay.
Ngoài ra, báo cáo của UNEP cũng chỉ ra một loạt biện pháp sai lầm dẫn tới sự mất
cân đối trong cấu trúc kinh tế toàn cầu, như việc dành ra 600 tỷ USD mỗi năm trợ
cấp cho nhiên liệu hóa thạch, hay đầu tư 20 tỷ USD cho hoạt động đánh bắt các
loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Do vậy, báo cáo nhấn mạnh các chính phủ giữ
vai trò quyết định đối với việc thay đổi luật pháp, chính sách cũng như thúc đẩy
đầu tư công cho quá trình chuyển đổi xanh nhằm tạo ra một nền kinh tế có lượng
khí thải thấp, sử dụng nguồn lực hiệu quả và đảm bảo cân bằng xã hội.
Báo cáo của UNEP nhấn mạnh trong ngắn hạn, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế
xanh có thể làm mất ít nhiều việc làm trong một số ngành và cần đầu tư để đào tạo
lại và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để đảm bảo quá trình chuyển đổi
công bằng và chấp nhận được về xã hội.
UNEP ước tính đầu tư 1,25% GDP toàn cầu vào hiệu quả năng lượng và năng lượng
tái sinh sẽ làm giảm 9% nhu cầu năng lượng thiết yếu toàn cầu vào năm 2020 và
40% vào năm 2050.
Trong khi đó, số việc làm ở khu vực năng lượng sẽ tăng thêm 20% và chi phí
nhiên liệu cũng như nguồn vốn để phát điện sẽ tiết kiệm được trung bình 760 tỷ
USD trong thời gian từ năm 2010-2050.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu sẽ giảm xuống dưới mức an toàn 450
ppm vào năm 2050 trong nền kinh tế xanh.