Friday, 08/11/2024 | 10:18 GMT+7

ĐBSCL nhiều triển vọng phát triển điện gió

24/08/2011

Ngay từ tháng 9/2010, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Cà Mau) đã khởi công nhà máy điện gió đầu tiên của khu vực Nam bộ với công suất 99 MW, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng tại TP. Bạc Liêu.

Với sức gió khá ổn định, một số tỉnh ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió.

Dự án tiên phong từ Bạc Liêu


Ngay từ tháng 9/2010, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Cà Mau) đã khởi công nhà máy điện gió đầu tiên của khu vực Nam bộ với công suất 99 MW, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng tại TP. Bạc Liêu.

Trong đó nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và các nguồn huy động khác là 15%; nguồn vốn vay là 85% (trong đó 85% dành cho chi phí thiết bị được vay từ nước ngoài; 15% chi phí thiết bị và các chi phí khác được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

da4cfaa66_bac_lieu1.jpg

Phối cảnh Nhà máy Điện gió Bạc Liêu

Ngày 14/7/2011, Tập đoàn GE (Mỹ) đã ký hợp đồng với công ty Công Lý, cung cấp 10 bộ turbin gió và hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng thiết bị cho giai đoạn đầu của dự án điện gió Bạc Liêu với tổng công suất 16 MW.

Theo các chuyên gia của GE, các turbin gió lần này có rotor cánh quạt dài 82,5m là phù hợp với chế độ gió cấp III tại Bạc Liêu. Đây là loại turbin gió có công suất đạt mức megawatt, được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện với hơn 16.000 chiếc được sử dụng trên toàn thế giới.

Chia sẻ về dự án điện gió đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Tô Hoài Dân – Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Công Lý cho biết, dự án được phê duyệt xuất phát từ mục tiêu muốn tự xây dựng, quản lý một nhà máy điện độc lập để bán điện cho nhà nước, bên cạnh đó kết hợp với các dự án du lịch sinh thái và nuôi trồng lâm – thủy sản.

Ngoài ra, dự án còn nhằm góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của nền kinh tế và giải quyết một phần công ăn việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất và tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, cho đến thời điểm này, Dự án đang được triển khai đúng tiến độ, và dự kiến sẽ vận hành turbin đầu tiên vào ngày 9/9/2011.

Ông Lưu Hoàng Ly cũng cho biết Sở đang đề xuất với UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép khảo sát, quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn, làm cơ sở xem xét cấp chứng nhận đầu tư.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển điện gió

Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió. Trong tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ở mức 5,6% vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hút đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới.

Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn EAB (Đức) và Công ty CP thương mại sản xuất và dịch vụ tổng hợp Trasesco đã phối hợp thực hiện dự án đầu tư năng lượng gió tại Duyên Hải – Trà Vinh với 20 tổ máy, tổng công suất 30MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm trên nền diện tích 420ha. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đặc biệt là trong hoàn cảnh các dự án điện đang “khát” vốn đầu tư như hiện nay.

Cũng trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng cũng đón tiếp hàng chục nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư điện gió. UBND tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thực hiện 4 dự án, tổng công suất khoảng 300 MW (giai đoạn 1). Hiện các nhà đầu tư đang trong giai đoạn khảo sát, xây dựng nghiên cứu khả thi.

Theo nhận định của Tập đoàn EAB (Đức), 2 xã Vĩnh Phước và Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là nơi tốt nhất để xây dựng “cánh đồng điện gió”. Tỉnh Sóc Trăng có thể tận dụng lợi thế này để phát triển ngành công nghiệp tái tạo, cung cấp nguồn năng lượng sạch và thu hút khách du lịch.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang mới đây, lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất chủ trương đầu tư nhà máy điện gió kết hợp năng lượng mặt trời công suất 90KVA để phục vụ cho phát sóng và sản xuất chương trình của Đài. Ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Kiên Giang cho biết, theo tính toán của đối tác Nord Energy (Đức), Dự án có vốn đầu tư 11 tỷ đồng, thời gian sử dụng 20 năm. Nếu so với mức sử dụng điện hiện nay của Đài, chỉ cần 10 năm đã thu hồi vốn.

Theo Chinhphu.vn,