Thursday, 23/01/2025 | 09:43 GMT+7

Điện mặt trời sẽ phát triển khi có thị trường tiêu thụ

03/11/2012

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với năng lượng gió, năng lượng mặt trời là 2 trong số các nguồn năng lượng tái tạo khả thi và có nhiều tiềm năng khai thác, phát triển nhất của Việt Nam.

Đề cập đến giải pháp để có thể thúc đẩy sự phát triển điện từ năng lượng mặt trời, chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay là cần phải tạo ra được thị trường điện mặt trời, dưới hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện của Chính phủ. Khi có thị trường, tức khắc sẽ có các doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học mang công nghệ và vốn đầu tư vào. Còn với cơ chế hỗ trợ nửa vời cùng với khung chính sách yếu như hiện nay, rất khó để phát triển điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với năng lượng gió, năng lượng mặt trời là 2 trong số các nguồn năng lượng tái tạo khả thi và có nhiều tiềm năng khai thác, phát triển nhất của Việt Nam. Số liệu điều tra tính toán của ngành khí tượng thủy văn cho thấy, cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm ở khu vực phía Bắc là 3,69 kWh/m2 và ở phía Nam là 5,9 kWh/m2. Tính trung bình toàn quốc thì bức xạ mặt trời dao động từ 3,8- 5,2 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình năm ở phía Bắc là 1.600 giờ và ở phía Nam là 2.700 giờ. Miền Trung và miền Nam hầu như nắng quanh năm, bức xạ nhiệt ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời.

Những năm qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Tuy nhiên, các thành tựu đạt được cho đến nay mới chỉ là bước đầu triển khai ứng dụng các  công nghệ tiên tiến quang điện để cấp điện và quang nhiệt để cấp nhiệt phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, cả nước mới chỉ khai thác được khoảng 2,5 MWp, chủ yếu là các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên nóc các công trình xây dựng, các trạm thu phát sóng viễn thông, các cơ quan an ninh quốc phòng, giao thông vận tải tại vùng sâu vùng xa, hải đảo chưa có điện lưới quốc gia.

16cab348c_02dienmat29512450.jpg
Điện mặt trời đấu lưới cũng đã được nghiên cứu ứng dụng tại nước ta từ năm 2005; công trình điện mặt trời đấu lưới lớn nhất có công suất 154 kWp tại Trung  tâm Hội  nghị  Quốc  gia  Hà Nội. Ngoài ra, có thể kể đến hai công trình điện đấu lưới tiêu biểu là Dự án điện mặt trời nối lưới tại tòa nhà Bộ Công thương (công suất 12 kWp) và tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với tổng công suất 6,7 kWp do Viện Khoa học năng lượng thực hiện. Mới đây nhất, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời đấu lưới có công suất 11,4 kWp tại trụ sở Thành ủy.

Với những số liệu khai thác thực tế kể trên, so với tiềm năng kỹ thuật được tính toán thì điện mặt trời ở nước ta vẫn ở dạng tiềm năng, thí điểm và một số ứng dụng nhỏ lẻ. Việt Nam vẫn chưa hình thành được thị trường điện mặt trời. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa làm cho các nhà đầu tư mặn mà với lĩnh vực còn khá mới mẻ này. Hơn nữa, công nghệ, nhân lực cho phát triển điện mặt trời còn rất hạn chế. Trong khi đó, tiềm năng kỹ  thuật cho hệ điện mặt trời tập trung đấu lưới của Việt Nam ước khoảng 1.799MW và tiềm năng lắp đặt các hệ điện mặt trời cục bộ/gia đình là 300.000 hộ gia đình, tương đương với công suất là 20MW.

Hiện nay, việc ứng dụng năng lượng mặt trời trên thế giới và ở nước ta còn nhiều khó khăn do giá thành thiết bị công nghệ điện mặt trời còn quá cao. Điện mặt trời vẫn có giá đắt nhất trong các nguồn điện năng lượng tái tạo. Nếu tính một trạm độc lập không đấu lưới, chi phí cho 1Wp vào khoảng 5- 6 USD. Theo Ts Dương Duy Hoạt, các nước có nền công nghiệp và thị trường điện năng lượng mặt trời phát triển đều là những nước có chính sách phát triển đúng đắn, hệ thống pháp lý đủ mạnh và cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ giá của Nhà nước.

Để có thể khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo quý giá này, Ts Dương Duy Hoạt cho rằng, điểm mấu chốt hiện nay là cần phải tạo ra được thị trường điện mặt trời, dưới hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện của Chính phủ. Khi có thị trường, tức khắc sẽ có các doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học mang công nghệ và vốn đầu tư vào. Còn với cơ chế hỗ trợ nửa vời cùng với khung chính sách yếu như hiện nay, rất khó để phát triển điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo này.

Như vậy, vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ để hình thành thị trường điện mặt trời là cực kỳ quan trọng. Để có được cơ chế hỗ trợ hợp lý, đủ sức hình thành thị trường, cần có chủ trương định hướng phát triển đúng đắn trên cơ sở một bộ luật về năng lượng tái tạo. Trước mắt, chưa xây dựng được luật thì nên nghiên cứu và đưa ra cơ chế hỗ trợ giá làm sao để có thể tạo ra thị trường. Các công việc này cũng cần được xây dựng dựa vào các nhà khoa học với những tính toán phù hợp, khả thi, trên cơ sở tiếp thu quốc tế phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Cùng với đó, việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời cũng cần sớm triển khai. Trong công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, Ts Dương Duy Hoạt cho rằng, nên tập trung nghiên cứu ứng dụng, kế thừa thành quả của quốc tế, chứ không nên nghiên cứu lại từ đầu. Đặc biệt, cần lựa chọn các thiết bị công nghệ nhập khẩu phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường để bảo đảm tuổi thọ cũng như khả năng hoạt động của thiết bị, tránh tình trạng xuống cấp và hỏng hóc thiết bị như các dự án đã được triển khai thời gian vừa qua.

Nhiều quốc gia đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu triển khai,  nên công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời ngày càng được hoàn thiện, đa dạng, giá thành ngày càng hạ, phạm vi ứng dụng ngày càng rộng. Thị trường điện mặt trời hàng năm tăng trưởng từ 50-60% với sản lượng năm 2012 ước khoảng 30GW. Nếu thị trường điện mặt trời được hình thành, đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt của nước ta.

Theo Daibieunhandan