Saturday, 23/11/2024 | 11:01 GMT+7

Thảm họa khí hậu và các nguồn điện năng mới

25/05/2013

Thảm họa khí hậu là gì? Là "các cơn bão sẽ mạnh hơn, hạn hán, mực nước biển tăng thêm…và rồi chúng ta sẽ đi về đâu?”

Thảm họa khí hậu là gì? Là "các cơn bão sẽ mạnh hơn, hạn hán, mực nước biển tăng thêm…và rồi chúng ta sẽ đi về đâu?”

b3a12e151_20130503163136chungtaybaovetraidat.jpg

Chung tay bảo vệ Trái đất trước hiểm họa biến đổi khí hậu

Thảm họa khí hậu toàn cầu gây nên bởi hiệu ứng khí nhà kính, hay cụ thể hơn là mức tăng quá cao của lượng khí carbon dioxide CO2 trong bầu khí quyển bao quanh Trái đất đang trở nên mối đe dọa, nỗi lo lớn cho cả loài người, mọi quốc gia trên Trái đất.

Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, con số mới nhất do Đài quan sát Mauna Loa, đài giám sát khí CO2 lâu đời nhất thế giới ghi được và công bố càng làm tăng nỗi lo nói trên. 
Đó là nồng độ CO2 trong khí quyển ở khắp Bắc bán cầu sẽ vượt ngưỡng 400 phần triệu (ppm) trong tháng 5/2013 này, tức là lần đầu tiên trong vòng 3 triệu năm qua, nồng độ CO2 vượt qua ngưỡng trên.

Điều này có nghĩa là gì? Là "Các cơn bão sẽ mạnh hơn, hạn hán, mực nước biển tăng thêm…” và “rồi chúng ta sẽ đi về đâu?” như lời của Jim Butler, nhà nghiên cứu tại Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt sau Nghị định thư Kyoto (11/12/1997), cộng đồng thế giới đã có những nỗ lực nhằm giảm khí thải nhà kính CO2. Nhưng nỗ lực đó hẳn rất chưa đủ.

Vì sự mâu thuẫn giữa cắt giảm phát thải khí nhà kính với gia tăng nguồn năng lượng để phát triển nền kinh tế là bài toán hóc búa đối với mọi quốc gia. Trong lúc, nhiều nước đang dựa chính vào nguồn điện năng từ nhiên liệu hóa thạch phát thải một lượng khí nhà kính khổng lồ, đặc biệt là Mỹ và Trung quốc.

Trong bối cảnh đó, một số nước Châu Âu vừa lên tiếng nêu cao vai trò của các loại năng lượng sạch không phát khí nhà kính và không phân biệt đối xử với loại nào, chủ yếu là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời v.v…) và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Bản tuyên bố nhấn mạnh “tính trung lập của công nghệ” và xem sự phát triển các loại năng lượng này là chiến lược cấp bách nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí carbon dioxide của Liên minh Châu Âu (EU).

Bài viết trên mạng WNN đã bình luận rằng, Bản tuyên bố chung dài một trang của 12 quốc gia trên nhấn mạnh niềm tin của những nước này đối với năng lượng hạt nhân trong việc “góp phần giúp EU tạo ra cơ cấu năng lượng ít carbon trong tương lai”.

Bài báo cũng phân tích thêm: “Về mặt kinh tế, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là tương tự nhau bởi chi phí xây dựng và vốn là yếu tổ chính quyết định mức giá năng lượng. Quá trình thu hồi vốn của 2 loại công nghệ này thường mất nhiều thời gian hơn so với năng lượng hóa thạch, và điều này dẫn tới sự khó khăn trong thu hút đầu tư nếu không có động thái khuyến khích.

Tuy nhiên, chi phí vận hành của hai loại công nghệ trên lại thấp hơn và có tính ổn định cao hơn. Nhiều quốc gia đang tìm cách khuyến khích triển khai các dự án năng lượng hạt nhân mới cũng như các dự án năng lượng tái tạo nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực về khí hậu, đồng thời đạt được những mục tiêu về an ninh năng lượng”.

Để mọi người bớt mơ hồ và xao nhãng về mối hiểm họa biến đổi khí hậu, hẳn cũng nên biết thêm một dự báo đáng sợ nữa. Dựa trên các số liệu đã có, cũng Jim Butler, nhà nghiên cứu khí hậu nổi tiếng Mỹ, cảnh báo: Trong 25 năm đến, nhiều khả năng nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ lên trên mức 450 ppm, đó là mức mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc LHQ cảnh báo không nên để xảy ra. Ông nhấn mạnh: “Đó sẽ là một viễn cảnh kinh hoàng”.

Mai Anh