Là một huyện nông nghiệp, lượng gia súc, gia cầm lớn với các mô hình trang trại quy mô, nhiều hộ gia đình huyện Lập Thạch – tỉnh Vĩnh Phúc đã được hỗ trợ xây dựng hầm biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, vừa tận dụng được chất thải làm chất đốt, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lập Thạch cho biết: Hiện nay huyện có trên 5 nghìn con trâu, 18 nghìn con bò và gần 80 nghìn con lợn, trên 1 triệu con gia cầm các loại. Toàn huyện có 275 trang trại chăn nuôi, phần lớn là chăn nuôi lợn và trang trại tổng hợp, lớn nhất có trang trại nuôi đến 3.000 con lợn thịt. Trước đây, các hộ gia đình đều có thói quen sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón ruộng. Tuy nhiên, do lượng gia súc lớn nên không thể dùng hết làm phân bón, để xử lý lượng chất thải còn lại, người dân thường có thói quen thải ra ao, hồ, đầm, cống rãnh… Những hôm trời mưa, nước thải chảy lênh láng. Những hôm trời nắng, nước thải bốc mùi rất khó chịu. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Xây hầm biogas mang lại hiệu quả lớn cho Lập Thạch – Vĩnh Phúc
Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, huyện Lập Thạch đã được Trung tâm Năng lượng – Sở Công Thương Vĩnh Phúc hỗ trợ triển khai mô hình lắp đặt hầm biogas. Với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hầm, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và đến nay, phong trào sử dụng hầm biogas đã phát triển rất mạnh mẽ.
Tính đến hết năm 2012, đã có 59 hộ gia đình trên địa bàn huyện được hỗ trợ tiền để xây dựng hầm. Với mức đầu tư khoảng 7 – 10 triệu đồng/hộ, theo đánh giá của nhiều hộ gia đình, toàn bộ phế thải chăn nuôi của gia đình đã được thu gom, không còn tình trạng chất thải, nước thải động vật chảy lênh láng, gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn rất nhiều bởi lượng khí gas sinh ra từ hầm biogas đã giúp tiết kiệm được chi phí mua gas, củi để đun nấu. Không chỉ những hộ có trang trại với hàng trăm con lợn, trâu… sử dụng loại hầm này mà những hộ gia đình nuôi khoảng 5 con lợn trở lên là đã có thể xây dựng loại hầm này.
Gia đình anh Đỗ Văn Duyên và chị Trần Thị Hồng, thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích duy trì khoảng 30 con lợn thịt và 3 con bò. Thời gian trước, toàn bộ phế thải của đàn vật nuôi được xả thẳng ra vườn, chảy vào cống rãnh xung quanh mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, gây mùi khó chịu. Năm 2012, sau khi tham gia lớp tập huấn xây dựng hầm biogas và được huyện hỗ trợ, anh chị quyết định đầu tư 7 triệu đồng lắp đặt hầm biogas. Từ đó đến nay, toàn bộ phế thải chăn nuôi của gia đình được thu gom làm nguyên liệu cho hầm biogas nên tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi đã được khắc phục. Anh Duyên cho biết: “Từ khi lắp đặt hầm biogas, môi trường đã trong sạch hẳn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn rất nhiều. Trước kia nhà tôi nuôi lợn, nấu cơm phải mua ga công nghiệp và rất nhiều củi, than nấu cám cho đàn vật nuôi nên rất tốn kém, nhưng từ khi có khí biogas, mỗi năm, không những gia đình tôi tiết kiệm được 5-6 triệu đồng tiền nhiên liệu mà lại được dùng ga thoải mái”.
Không đơn thuần chỉ giải quyết chất thải động vật để làm khí đốt, chất thải từ hầm khí còn được sử dụng để bón rau có tác dụng rất tốt, vừa không làm rau bị nhiễm khuẩn, vừa tiết kiệm được tiền phân bón cho người dân. Với mỗi sào rau được bón bằng phân từ hầm khí sinh học, mỗi người dân tiết kiệm được khoảng 80.000 đồng.
Theo Trung tâm Năng lượng Vĩnh Phúc, ngoài việc sử dụng hầm biogas xây bể theo cách truyền thống thì người dân đã bắt đầu tiếp cận và sử dụng hầm biogas bằng nhựa compoxit. Với ưu điểm thiết kế, thi công đơn giản, độ bền cao, dễ dàng di chuyể, kết cấu vững, không bị gỉ nước và khí do được tăng cường keo chống thấm, hầm biogas loại này đã đảm bảo độ an toàn, đồng thời đảm bảo hiệu quả bảo vệ môi trường. Thành công của Lập Thạch cho thấy, sử dụng hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi là giải pháp vừa hiệu quả về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường nông thôn, có thể nhân rộng tại nhiều địa phương của nước ta.
Bảo Anh