Thursday, 23/01/2025 | 09:28 GMT+7

Đưa điện mặt trời tới từng mái nhà ở châu Phi

21/09/2013

Thông qua việc sáng lập Solar Sisters – một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường và nguồn lao động nữ, bà Katherine Lucey (doanh nhân Mỹ) đang từng bước đưa điện mặt trời giá rẻ “thắp sáng” từng mái nhà châu Phi.

Thông qua việc sáng lập Solar Sisters – một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng cách tiếp cận dựa vào thị trường và nguồn lao động nữ, bà Katherine Lucey (doanh nhân Mỹ) đang từng bước đưa điện mặt trời giá rẻ “thắp sáng” từng mái nhà châu Phi.

PV: Trước khi trở thành Giám đốc điều hành Solar Sisters, bà là chủ một ngân hàng đầu tư chuyên rót vốn vào các dự án thủy điện lớn. Vậy điều gì đã khiến bà hướng sự quan tâm sang vấn đề “đói” năng lượng?

Bà Katherine Lucey: Vâng, tôi đã làm việc khá lâu năm trong lĩnh vực đầu tư năng lượng và chừng ấy năm hoạt động cũng đủ giúp tôi nhận thức được năng lượng có tầm quan trọng thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia. Sau khi rời ngân hàng, tôi làm việc cho một tổ chức nhân đạo giúp cộng đồng nông thôn tiếp cận năng lượng thông qua nguồn năng lượng mặt trời có thể tái tạo tại Uganda. Từ đó, tôi nhận ra một sự thật là chẳng ai có thể giàu có, sung túc nếu họ không được tiếp cận năng lượng. Đây cũng chính là động lực đưa tôi đến với Solar Sister và bắt đầu cuộc hành trình phân phối năng lượng sạch thông qua một nhóm doanh nhân nữ cùng chí hướng.

f1b20ac26_banden22713_1.jpg

Bà Eva Walusimbi - trợ lý bán hàng của Solar Sister phân phát đèn mặt trời cho mọi người tại thị trấn Mityana, Uganda

PV: Hiện tại bà vẫn đang hợp tác với một tổ chức phi lợi nhuận chuyên lắp đặt những tấm pin mặt trời cho các trường học, bệnh viện và hộ gia đình – một nỗ lực đầy ý nghĩa và thật đáng trân trọng. Tại sao bà lại quyết định đi theo con đường khác?

Bà Katherine Lucey: Tổ chức đó có tên là Solar Life for Africa và bây giờ vẫn đang hoạt động tốt. Điều tôi nhìn thấy ở hoạt động của Solar Life for Africa không chỉ là việc làm thay đổi cuộc sống của mọi người nhờ năng lượng, mà còn là những rào cản trong nỗ lực giải quyết một vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng tới 1/4 dân số thế giới ”đói” năng lượng nếu chỉ thông qua viện trợ nhân đạo. Muốn giải quyết triệt để tình trạng trên, tôi cho rằng chúng ta nên tìm cách giúp cộng đồng tự tiếp cận và giải quyết vấn đề hơn là để họ ngồi đó và chờ đợi sự giúp đỡ của người khác.

PV: Bà từng cho rằng, tình trạng thiếu năng lượng ở nhiều nước đang phát triển là vấn đề về giới chứ không phải vấn đề về kinh tế. Bà có thể giải thích rõ hơn không?

Bà Katherine Lucey: Một trong những điều tôi nhận ra khi làm việc ở khu vực nông thôn châu Phi là trong các hộ gia đình, phụ nữ mới là người quản lý năng lượng. Không ai khác, họ chính là người đi chợ mua dầu hỏa để thắp sáng đèn dầu, cuốc bộ hàng dặm đường để nhặt củi, mua than. Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi tình trạng hiện tại, muốn thay thế việc sử dụng dầu hỏa hay việc đốt than, củi độc hại bằng nguồn năng lượng tái tạo thì dựa vào phụ nữ sẽ là lựa chọn an toàn và kinh tế hơn cả. Vì thế, chương trình của chúng tôi hướng tới quyền phụ nữ trong tiếp cận năng lượng thông qua một mạng lưới doanh nhân nữ.

PV: Việc sử dụng dầu hỏa gây hại gì cho sức khỏe và môi trường, thưa bà?

Bà Katherine Lucey: Chương trình của chúng tôi khởi đầu từ vùng nông thôn Uganda – nơi mà 90% người dân sử dụng dầu hỏa để thắp sáng. Họ không được tiếp cận điện lưới mà chỉ có thể dùng đèn dầu. Nhìn có vẻ rẻ tiền nhưng giá của chúng rất đắt. Chúng tiêu tốn từ 10 – 30% thu nhập của các hộ gia đình chỉ để phục vụ nhu cầu thắp sáng. Và điều quan trọng là chúng không hề tốt cho sức khỏe.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hít khói từ đèn dầu chẳng khác gì việc chúng ta hút hai bao thuốc một ngày. Cũng theo những nghiên cứu trên thì lượng các-bon phát thải từ việc đốt đèn dầu còn nhiều gấp 4 lần so với tưởng tượng của chúng ta, do đó càng gây nguy hại cho môi trường. Song, nếu thay thế chúng bằng năng lượng mặt trời chắc chắn sẽ sạch, an toàn và rẻ hơn. Tất cả cái chúng ta cần làm là biến nguồn năng lượng tự nhiên này thành nguồn điện để chiếu sáng.

PV: Solar Sister cung cấp những loại sản phẩm nào?

Bà Katherine Lucey: Chúng tôi hợp tác với rất nhiều nhà sản xuất khác nhau chứ không tự mình sản xuất. Bằng cách này, chúng tôi có thể đặt hàng những loại sản phẩm đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Một số khách hàng chuyên dùng các loại bóng đơn giản với giá thành rẻ nhưng một số khác lại có nhu cầu sử dụng các thiết bị vừa thắp sáng, vừa sạc được điện thoại. Có tới 75% dân số dùng di động trong khi chỉ có 10% dân số được sử dụng điện, quả là một khoảng cách quá lớn.

Chúng tôi cung cấp các loại thiết bị điện có thể sử dụng nguồn điện tại chỗ cho các hộ hộ gia đình như ắc quy, pin mặt trời, bóng đèn. Bạn có thể lắp hệ thống đèn 3 bóng hay thậm chí là 7 bóng và cũng có thể nghe đài, sạc điện thoại hay chạy một cái quạt nhỏ.

PV: Bà có thể cho biết giá của những mặt hàng này dao động trong khoảng bao nhiêu không?

Bà Katherine Lucey: Chúng tôi bán sản phẩm với đủ mọi loại giá từ khoảng 10 USD đến hàng trăm USD, tùy vào chức năng của từng loại. Giá trung bình của sản phẩm cỡ khoảng 50 USD và có rất nhiều mặt hàng giá vừa tầm có khả năng chiếu sáng cũng như sạc 1 – 2 chiếc điện thoại. 50 USD mới nghe có vẻ đắt đỏ đối với những người dân chỉ kiếm được khoảng 2 USD/ngày như ở đây nhưng nếu tính lâu dài (mỗi tuần họ phải bỏ ra từ 2 – 4 USD để mua dầu hỏa và thêm từ 2 – 3 USD nữa để sạc điện thoại) thì con số ấy là hợp lý đấy chứ. Số tiền đáng lẽ họ phải bỏ ra để mua dầu hoặc sạc điện thoại sau đó có thể được dùng cho những mục đích khác tốt hơn.

Đa số người dân Uganda không có mức thu nhập đều đặn, ngay cả khi thu nhập trung bình của họ vào khoảng 2 USD thì không phải lúc nào số tiền ấy cũng gối đầu giường. Nếu là giáo viên chẳng hạn, họ phải đợi đến tận cuối tháng mới có lương, còn nếu là nông dân, họ phải bán được nông sản mới có tiền. Nắm bắt được điều này, chúng tôi sẽ biết được ngày nào là thời điểm thích hợp để chào hàng và bán được hàng.

bac353618_denhoc22713.jpg

Trẻ em Uganda tập đọc dưới ánh đèn điện mặt trời 

PV: Việc tiếp cận nguồn năng lượng sạch với giá thành rẻ hơn giúp thay đổi cuộc sống của từng hộ gia đình như thế nào, thưa bà?

Bà Katherine Lucey: Năng lượng là nền tảng cơ bản cho sự thịnh vượng và là thứ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Nó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi, đưa tôi đến với sáng kiến về những thiết bị thắp sáng bằng điện mặt trời.

Trước đây, tôi từng gặp người phụ nữ tên Rebecca. Nhà cô ấy có 4 phòng và cô được chọn một phòng để lắp đặt hệ thống đèn mặt trời gồm 3 bóng. Sau một hồi cân nhắc, cô ấy đã quyết định lắp đèn vào phòng nhốt gà vì biết rằng lũ gà con chỉ ăn những gì chúng nhìn thấy. Thật tuyệt, sau hơn 4 tiếng bật đèn, lũ gà ăn nhiều hơn hẳn và cứ thế, chúng lớn khỏe hơn và đẻ nhiều trứng hơn. Nhờ vào tiền bán trứng, Rebecca đã mua được hạt giống, một con dê, một con bò, thậm chí còn đầu tư vào cả một trang trại. Cuộc sống của cô và gia đình cũng vì vậy mà trở nên sung túc hơn.

Những người xung quanh coi cô ấy như một tấm gương sáng. Họ còn tỏ ra nể phục hơn nữa khi Rebecca thành lập một ngôi trường với 100 học sinh. Ở đó, cô dạy học sinh cách đọc, viết và tính toán. Ngoài những môn học cơ bản, cô còn dạy cả phương thức canh tác bền vững trên quy mô nhỏ để các em có thể tự mình kiếm sống khi rời ghế nhà trường.

Một thời gian sau, lũ gà đã được chuyển về chuồng của chúng, còn căn phòng trước đây nhốt gà, Rebecca sử dụng để dạy học cho những phụ nữ trong làng vào buổi tối. Tại đây, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy người phụ nữ Uganda đầu tiên “tốt nghiệp” chương trình phổ cập giáo dục của cô. Tuy đã luống tuổi nhưng bà vẫn tham gia khóa học và tỏ ra tự hào rằng cuối cùng mình đã biết đọc. Thế mới thấy năng lượng đúng là có sức mạnh “thắp sáng” thế giới.

PV: Như vậy, đèn điện cũng tác động tới thời gian học của các nữ sinh?

Bà Katherine Lucey: Chính xác, một trong những lợi ích sát sườn nhất đối với các hộ gia đình là khi họ bật đèn, con em họ sẽ học được lâu hơn. Ngay khi đi học về, các bé trai có thể ngồi vào bàn và bắt đầu học, song các bé gái còn phải giúp mẹ việc nhà. Ít ra cũng phải sau bữa tối, thời điểm mà trời đã tối mịt, chúng mới có thể học bài. Nếu sử dụng đèn dầu thắp sáng sẽ rất chóng mỏi mắt, theo đó các em sẽ chẳng học được nhiều, có khi còn không thể hoàn thành bài tập về nhà và nhanh chóng bị tụt hạng ở lớp, thậm chí chán nản, bỏ học. Nhưng nếu dùng đèn mặt trời thì kết quả sẽ khác.

PV: Chính những tiến bộ kỹ thuật gần đây trong sản xuất đèn mặt trời cỡ nhỏ đã tạo cơ hội cho bà kinh doanh hiệu quả mặt hàng này?

Bà Katherine Lucey: Cách đây 5 – 6 năm, người ta đã bắt đầu thiết kế những chiếc đèn mặt trời cỡ nhỏ phù hợp với các đối tượng khách hàng có mức thu nhập thấp. Nhờ kỹ thuật ngày càng hiện đại mà chỉ trong vài năm, những chiếc đèn có giá thành thấp, chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng và tính năng tốt hơn đã ra đời. Cứ 6 tháng, chúng lại được cải tiến một lần, lần sau hơn hẳn lần trước. Thế là chúng tôi được hưởng thành quả.

PV: Tổ chức của bà đã hoạt động được khoảng 3 năm. Vậy có thị trường nào bà nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt ở mức độ cộng đồng chưa?

Bà Katherine Lucey: Tiếc là vẫn chưa đạt đến mức đó. Chúng tôi mới chỉ là một hạt cát nhỏ bé trên sa mạc, chưa đủ khả năng thâm nhập sâu vào các thị trường. Hiện tại, những thay đổi mà chúng tôi nhìn thấy mới dừng lại ở mức độ hộ gia đình, hy vọng tương lai sẽ lan tỏa tới mức độ cộng đồng dẫu biết rằng sẽ hết sức khó khăn.

Đến năm 2015, loài người có khả năng đạt được đa số các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đáng buồn là năng lượng chẳng bao giờ nằm trong số đó dù nó hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngay cả khi nó trở thành một mục tiêu Thiên niên kỷ thì cũng chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới đạt được. Bởi lẽ sự gia tăng dân số tại những khu vực “đói” năng lượng đang bỏ xa thành quả của loài người trong việc tăng tỷ lệ dân được tiếp cận năng lượng. Và tin chắc khoảng cách này sẽ còn rộng hơn vào năm 2050.

Nhìn từ góc độ nhân đạo, đây chẳng khác gì một thảm họa, còn đứng từ góc độ đạo đức thì đây là một sự vi phạm quyền lợi con người. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ thị trường, đây lại được coi là một cơ hội. Vì thế, chúng ta nên nhìn từ góc độ thứ ba để có thêm tự tin thu hẹp dần khoảng cách trên, để giúp cho ngày càng nhiều người dân trên thế giới được tiếp cận năng lượng, nhất là các nguồn năng lượng sạch an toàn cho sức khỏe, bền vững với môi trường.

Thúy Hằng